Thành công từ dự án chăn nuôi an toàn (11/07/2016)

Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản, thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2015 đã phát huy nhiều kết quả thiết thực.


Chăn nuôi an toàn mang lại lợi nhuận cao, bền vững cho bà con nông dân

Sau hơn 5 năm thực hiện, quy trình thực hành chăn nuôi tốt đối với heo và gà (GAHP) do dự án xây dựng và lần đầu tiên được áp dụng thử nghiệm tại VN đã phát huy hiệu quả, với sự tham gia của 4.950 hộ chăn nuôi và đang tiếp tục tăng mạnh.

Thông qua việc áp dụng quy trình GAHP đã giúp các hộ chăn nuôi cải thiện các chỉ tiêu kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế từ các hoạt động chăn nuôi so với trước đây.

Kết quả giám sát 1.278 mẫu thức ăn tại các hộ GAHP cho thấy các kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi là Chloramphenicol và Furazolidone đều không phát hiện. Đặc biệt, độc tố nấm mốc Aflatoxin B1 không thấy có trong thức ăn tại các hộ trên, điều này cho thấy, khi tham gia vào GAHP người chăn nuôi đã có ý thức rất cao trong lựa chọn cũng như bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Đối với các hormone sinh trưởng cấm sử dụng trong chăn nuôi là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine thì vào những năm đầu thực hiện quy trình GAHP chỉ phát hiện 1/270 mẫu phân tích. Đến các lần tiếp theo thì hoàn toàn không có các chất này trong thức ăn chăn nuôi tại các hộ tham gia, tỷ lệ mẫu đạt tiêu chuẩn là 100%.

Các tỉnh có dự án cũng thực hiện định kỳ lấy mẫu giám sát tồn dư kháng sinh và các chất hormone tăng trưởng trong các sản phẩm heo, gà của các hộ GAHP trung bình mỗi năm 2 lần.

Từ năm 2012 - 2015, dự án đã giám sát tổng số 1.348 mẫu sản phẩm thịt có nguồn gốc từ các hộ GAHP. Kết quả giám sát trong giai đoạn đầu sau 6 và 12 tháng áp dụng quy trình GAHP vẫn còn một bộ phận nhỏ do chưa nhận thức đầy đủ đối với việc tuân thủ thời gian ngưng thuốc, cũng như còn chạy theo lợi nhuận nhất thời nên vẫn có một số mẫu không đạt về tồn dư kháng sinh và còn sử dụng các chất kháng sinh, hormone tăng trưởng cấm.

Tuy nhiên sau đó, bằng các biện pháp tuyên truyền giáo dục kịp thời cũng như sức ép từ chính các hộ thành viên trong nhóm GAHP, các hộ này đã có nhận thức đúng đắn và thay đổi hành vi trong sản xuất. Từ 18 tháng sau khi áp dụng GAHP, các hộ hoàn toàn tuân thủ, tỷ lệ các mẫu giám sát đạt tiêu chuẩn 100%.

Dự án cũng hỗ trợ nâng cấp 31 cơ sở giết mổ quy mô lớn với công suất từ 100 - 400 con heo và trên 1.000 con gia cầm/ngày, 82 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ dưới 50 con heo/ngày. Trước khi nâng cấp, các mẫu dụng cụ, phương tiện vận chuyển đều không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu vi sinh vật, sau vận hành 6 tháng mới chỉ đạt 7%. Tuy nhiên, sau 36 tháng các chỉ tiêu tăng lên so với trước khi nâng cấp từ 60 - 80%. Kết quả này chứng tỏ ý thức của người giết mổ và người vận chuyển đã dần được nâng cao.

Khi giám sát các chỉ tiêu vi sinh đối với thịt heo và gà tại các cơ sở giết mổ tham gia dự án cho thấy, sau 24 tháng vận hành số mẫu thịt heo đạt tiêu chuẩn vi sinh đối với tổng số vi khuẩn hiếu khí là 88,9%, Salmonella 100%. Trên thịt gà cũng cho tỷ lệ đạt tiêu chuẩn vi sinh sau 24 tháng là: Enterobacteriace 75%, Campylobacteriace 100% và Salmonella 100%.

Theo NGUYỄN MINH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 222
Tổng truy cập: 39333740