Xác định như thế để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho phù hợp, đặc biệt là trong công đoạn xử lí vấn đề môi trường, phát triển bền vững và lâu dài.
Ứng dụng rất nhiều công nghệ cao, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa, song lãnh đạo Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, TGĐ Trần Công Chiến tâm sự thật lòng rằng, hiện mỗi năm tổng đàn bò sữa tại Mộc Châu tăng từ 2.700 - 3.000 con, áp lực trong vấn đề xử lí chất thải là rất lớn.
Ngành chăn nuôi bò sữa rất cần những khu xử lí chất thải tập trung
Mặc dù đã áp dụng tất cả những công nghệ hiện đại nhất trong khả năng cho phép, song ông Chiến vẫn xác định việc xử lí chất thải doanh nghiệp áp dụng hiện nay chưa phải là tốt nhất.
Ông Chiến ước mơ và đề xuất Nhà nước cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế chính sách, đất đai để những doanh nghiệp như Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu xây dựng được những khu xử lí chất thải trong chăn nuôi và nông nghiệp tập trung, có thể xử lí toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu, tương tự những mô hình xử lí chất thải tập trung tại các khu công nghiệp.
Theo đó, toàn bộ chất thải trong chăn nuôi của các hộ dân được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng đến nhà máy xử lí, sau đó nhà máy cung cấp lại các sản phẩm phân hữu cơ cho người dân sử dụng vào bón cho cây trồng.
Riêng chất thải lỏng sẽ xử lí biogas để xây dựng những nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ, đảm bảo gần như tuyệt đối không đưa chất thải khí, lỏng, rắn chưa qua xử lí ra môi trường.
Là đơn vị nuôi bò sữa lớn nhất huyện Ba Vì hiện nay với quy mô trên 200 con, ông Tạ Viết Hùng, Chủ nhiệm HTX Đầu tư nông trại và phát triển bò Ba Vì rất ủng hộ chủ trương hình thành khu xử lí chất thải tập trung cho toàn bộ các hộ nuôi bò sữa.
Bởi theo ông Hùng, ngành chăn nuôi nói chung và nuôi bò sữa nói riêng, muốn phát triển bền vững phải đầu tư đồng bộ và xử lí triệt để được vấn đề môi trường.
“Có thể ở thời điểm hiện tại vì lợi ích kinh tế, vì điều kiện còn khó khăn người chăn nuôi chưa thực sự chú trọng đến vấn đề môi trường. Tuy nhiên, khi xã hội ngày một phát triển, yêu cầu ngày một khắt khe hơn ngoài việc đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp, HTX và người chăn nuôi phải đảm bảo hài hòa cả yếu tố môi trường. Lúc đó, sản phẩm chăn nuôi trong nước mới thực sự được coi là hội nhập thành công”, ông Tạ Viết Hùng nhấn mạnh.
Về ý tưởng thành lập những khu xử lí chất thải chăn nuôi tập trung, trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại trên cả nước chưa có bất kỳ khu xử lí chất thải chăn nuôi tập trung nào dành cho vùng địa lí hay các vùng được quy hoạch chăn nuôi tập trung.
Thay vào đó, chỉ có một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH true milk đầu tư xây dựng được các khu xử lí chất thải, nước thải tập trung dành cho trang trại của chính họ. Trong khi đó, đa phần đàn bò sữa của cả nước hiện nay đang nuôi theo mô hình nông hộ.
Theo ông Tống Xuân Chinh, mô hình xử lí chất thải trong chăn nuôi bò sữa được coi là phù hợp nhất hiện nay là công nghệ tách, ép phân. Theo đó, chất thải được gom vào một khu xử lí và được tách ra làm 3 phần theo tỉ lệ 10:30:60.
Trong đó, 10% là chất thải lỏng sẽ được xử lí bằng hệ thống khí sinh học biogas tạo ra chất đốt; 30% chất thải rắn sẽ được thu gom và xử lí bằng chế phẩm sinh học, trong vòng thời gian 35 - 50 ngày là phân hủy thành phân hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp và 60% còn lại là nước thải sẽ được xử lí bằng các hệ thống lắng, lọc, sục khí nhằm đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ TN-MT trước khi thải ra ngoài tự nhiên.
Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành
Về ý tưởng hình thành nên những khu xử lí chất thải tập trung cho những vùng chăn nuôi lớn, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, đây là ý tưởng rất hay và vô cùng ý nghĩa.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này theo ông Chinh rất khó bởi việc vận hành, quản lí không hề đơn giản chút nào. Hơn nữa, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhằm xã hội hóa và thu hút doanh nghiệp đầu tư. Có nghĩa là ở đây cần cả Nhà nước và doanh nghiệp chăn nuôi cùng vào cuộc mới hy vọng thành công.
Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lí thật nghiêm minh những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường mới mong hiện thực hóa được ý tưởng này.
Đăng Quân
|