Một trại nuôi bò lai Sind
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, tính đến tháng 11/2016, trên địa bàn thành phố có 142.831 con bò. Trong đó, chiếm phần lớn là bò sữa với 89.689 con, còn lại là bò thịt và bò nuôi cho mục đích khác. Tính ra, đàn bò thịt ở thành phố vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với bò sữa và so với nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt, đặc biệt là bò thịt cao sản. Theo ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, có 2 hướng để nhân đàn bò thịt cao sản. Thứ nhất là sử dụng bò sữa cái sinh sản tốt nhưng năng suất sữa thấp để phối tinh bò thịt cao sản. Thứ 2 là dùng tinh bò thịt cao sản nhập khẩu phối với bò cái lai sind.
Thực tế đã cho thấy hiệu quả cao từ 2 cách làm này. Bò lai Sind địa phương nuôi trong vòng 18 tháng chỉ đạt cân nặng 250 - 300kg/con, giá bán khoảng 55.000 đ/kg hơi. Còn bò được sinh ra từ việc phối tinh bò cao sản với bò sữa cái hay phối với bò lai Sind, cũng nuôi trong khoảng thời gian như vậy, đạt cân nặng tới 450 - 500 kg/con, giá bán tới 70.000 - 75.000 đ/kg hơi. Chỉ cần so sánh khối lượng và giá bán, đã thấy sự chênh lệch lớn về lợi nhuận giữa bò lai Sind địa phương với bò được sinh ra từ việc phối giống tinh bò cao sản với bò sữa hoặc bò lai Sind.
Một hướng khác cũng rất quan trọng là những con bê sữa đực, vốn trước đây được nông dân bán ngay cho thương lái để làm thịt bê, thì được khuyến khích giữ lại nuôi làm bò thịt. Bê sữa đực nuôi thành bò thịt sẽ trở thành bò thịt cao sản, chất lượng cao. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho hay, đã có khoảng 17.000 con bê sữa đực được giữ lại nuôi lớn thành bò thịt, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều cho nông dân thay vì bán bê ngay khi mới ra đời.
Chính vì vậy, các huyện mà nông dân có nhiều kinh nghiệm nuôi bò sữa như Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh, đã được TP.HCM lựa chọn là những nơi phát triển vùng chăn nuôi bò thịt. Các giống bò cao sản được lựa chọn để phối giống tạo đàn bò thịt cao sản là BBB, Drought Master, Red Brahman, Red Angus… Cụ thể, các giống BBB và Drought Master sẽ phù hợp với việc phát triển nuôi bò thịt thâm canh ở vùng gò cao thuộc huyện Củ Chi. Còn vùng đất bằng thấp ở Hóc Môn và phía nam huyện Bình Chánh, sẽ ưu tiên các giống bò cao sản Red Brahman và Red Angus.
Thành phố sẽ hỗ trợ 100% giá trị 2 liều tinh và chi phí để phối giống 1 bò cái, cho các hộ nông dân đăng ký tham gia chương trình bò thịt giai đoạn 2016 -2020. Các hộ muốn tham gia chương trình sẽ tìm hiểu thông tin ở UBND xã, phường và đăng ký với Hội Nông dân. Ông Nguyễn Phước Trung cho biết, Sở NN-PTNT đang tập hợp đăng ký của nông dân trên địa bàn để tiến hành nhập khẩu tinh bò cao sản về phối giống.
Song song với đó, ngành nông nghiệp TP.HCM sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi giống bò thịt hạt nhân tại Cty TNHH Một thành viên Bò sữa TP.HCM và một số trang trại chăn nuôi bò thịt. Bên cạnh đó là các giải pháp về khoa học, công nghệ, thú y, nhân lực, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại, như: Xây dựng các khẩu phần ăn cho bò thịt phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, trên cơ sở sử dụng nguồn thức ăn tại địa phương; xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ chăn nuôi phù hợp; khuyến khích sản xuất bò thịt theo phương thức trang trại theo hướng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò thịt đồng bộ theo hướng VietGAP; hình thành phương thức chăn nuôi theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi…
Với những giải pháp như trên, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu đến 2020, tổng đàn bò thịt của TP là 30.000 con, hàng năm cung ứng 10.000 tấn thịt hơi và 7.000 con bò cái giống cho người chăn nuôi thành phố cũng như các tỉnh khác, khối lượng trưởng thành 300 - 350kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 50 - 55%.
Đến năm 2030, tổng đàn bò thịt cao sản của TP là 40.000 con, mỗi năm cung cấp 15.000 tấn thịt bò hơi, 10.000 bò cái giống, khối lượng trưởng thành bình quân 350 - 400kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 55 - 60%.
|