Nuôi ong mật bền vững (06/11/2017)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Giang vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển nuôi ong mật bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm” với sự tham dự của gần 250 đại biểu đến từ 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.


Ban chủ tọa diễn đàn

Theo thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 1.200.000 đàn ong gồm các giống ngoại (ong Ý) và ong nội, trong đó đàn ong nội khoảng 200.000 đàn (chiếm 16,6%), ong ngoại 1.000.000 đàn (chiếm 83,3%). Số người nuôi ong khoảng 30.000 người, trong đó nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.000 người (chiếm 20%).

Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. 90% sản lượng mật ong hàng năm của Việt Nam được xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ 90 - 95%, còn lại 5 - 10% xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Việt Nam có thương hiệu mật ong mang giá trị kinh tế cao như mật ong bạc hà ở Hà Giang, mật ong rừng U Minh.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam rất thuận lợi cho hệ sinh thái thực vật và sự phát triển của ngành chăn nuôi ong lấy mật. Vùng SX mật ong tập trung ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Cây nguồn mật chính là cao su, tràm, cà phê, điều, vải, nhãn, keo, bạch đàn, bạc hà...

Sản lượng mật ong của nước ta trong vài năm gần đây đã tăng mạnh. Tiêu thụ mật ong phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu (chiếm khoảng 95%) tổng sản lượng hàng năm.

“Ong là đối tượng vật nuôi có sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất so với các giống vật nuôi khác. Thị trường xuất khẩu mật ong trong thời gian qua chủ yếu là Mỹ và một thị trường đang cần nhập khẩu nhiều mật ong là châu Âu”, bà Hạnh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang, trên địa bàn tỉnh, ong nội được nuôi và phát triển tại 11 huyện, thành phố với tổng số đàn năm 2016 là 34.093 đàn và sản lượng mật là 193,02 tấn. Tuy nhiên, nuôi ong nội địa phương gắn với phát triển cây hoa bạc hà tập trung chủ yếu ở 4 huyện vùng cao phái Bắc.

Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm ong bạc hà của tỉnh Hà Giang trên địa bàn 47 xã thuộc 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ.


Đại biểu tham quan mô hình nuôi ong của tổ SX ong bạc hà do ông Sùng Sứ Pừ quản lý

Các kỹ thuật nuôi ong như: Quản lý ong mùa vụ, tạo chúa nhân tạo, chẩn đoán bệnh ong bằng sinh học phân tử, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho ong chúa trong chọn lọc và lai tạo giống ong, kỹ thuật hạ thủy phần ong mật… được áp dụng rộng rãi đã thúc đẩy nghề nuôi ong của Việt Nam không ngừng phát triển, từ quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật cổ truyền thô sơ, lạc hậu trở thành quốc gia có nghề nuôi ong hiện đại với số lượng đàn và sản lượng các sản phẩm ong không ngừng tăng lên…”, ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nuôi ong nhiệt đới cho biết.

Cũng theo ông Vinh, nghề nuôi ong của tỉnh Hà Giang có một số thuận lợi như: Sản phẩm ong bạc hà được cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, sản phẩm có logo, nhãn mác chỉ dẫn địa lý, giá bán sản phẩm ổn định do nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh nhất là khách du lịch.

Đa số diện tích SX đất lâm nghiệp tại vùng cao núi đá phía Bắc có điều kiện phát triển nuôi ong nội đều SX 1 vụ ngô/năm nên có điều kiện để cây bạc hà sinh trưởng và phát triển tốt. Hình thành chuỗi liên kết SX ong theo hình thức tổ chức SX: HTX, Tổ hợp tác, nhóm sở thích, hội SX và kinh doanh mật ong cao nguyên đá…

Bên cạnh đó, nghề nuôi ong trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đã ban hành còn hạn chế, thủ tục vay còn nặng về hành chính, vốn vay để đầu tư cho nuôi ong chưa nhiều.

Công tác quản lý nhãn mác, bao bì, logo chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng, chưa có sự liên kết chặt chẽ. Sản phẩm đã được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận nhưng chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng và người thu gom.

Đời sống của nhân dân còn ở mức độ thấp nên khả năng đầu tư cho SX bị hạn chế, SX cơ bản vẫn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ (5 - 10 tổ/hộ), một bộ phận còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Tại diễn đàn, ông Vừ Sáu Pó (thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn) chia sẻ, năm 2013, được sự hỗ trợ của các hộ nuôi ong trên địa bàn, gia đình ông đã đầu tư gần 50 đàn ong. Trong năm đó, kết thúc vụ nuôi, gia đình thu được từ 50 - 100 lít mật/vụ.

“Đến nay, số đàn ong của gia đình tôi đã được nhân, tách đàn từ 50 đàn ban đầu lên đến 120 đàn. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên kết thúc vụ nuôi, sản lượng mật của gia đình đạt 360 lít, bình quân đạt 3 - 4 lít/đàn. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu trên 70 triệu đồng”, ông Pó chia sẻ.

Tại diễn đàn, Ban chủ tọa cùng các chuyên gia tư vấn giải đáp gần 50 câu hỏi của người dân về các vấn đề như: Kỹ thuật chăn nuôi, nguồn thức ăn, chính sách hỗ trợ, dịch bệnh, liên kết SX,…

Một hộ dân ở xã Tà Lủng (huyện Đồng Văn) có hỏi: “Làm thế nào để nhập 2 đàn ong với nhau?”.
“Theo nguyên tắc, chúng ta sẽ nhập khi đàn ong mất con chúa vào đàn ong có con chúa, nhập đàn ong bé vào đàn ong to hay đàn yếu vào đàn mạnh... Và, phải nhập vào buổi tối. Đặc biệt, khoảng cách nhập giữa đàn muốn nhập vào đàn được nhập là phải gần nhất. Hơn nữa, trước khi nhập đàn nên dùng lá chanh vò nát để áp mùi con ong chúa để 2 đàn ong dễ nhập nhau hơn”, đại diện Ban cố vấn giải đáp.
“Biện pháp chống rét cho đàn ong, nhất là khi rét đậm rét hại?”, anh Vừ Sáu Say (xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn) hỏi.
Chuyên gia tư vấn giải đáp: “Vào mùa đông chúng ta nên chống rét cho đàn ong ở bên trong và ngoài tổ. Ở trong tổ, đàn ong phải được nuôi đông quân, tỷ lệ quân trên cầu phải đảm bảo thì mới giữ ấm. Bên ngoài nên chống rét bằng cách cho những tấm xốp che chắn xung quanh tổ, đặc biệt, cửa tổ tránh hướng gió lùa trực tiếp”.

Ông Cử Mí Giàng (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) hỏi: “Hiện nay các hộ nuôi ong mật tại địa phương có những chính sách hỗ trợ của nhà nước như thế nào và thủ tục xin hỗ trợ ra sao?
”Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang giải đáp: “Sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đối với các hộ vay tại các ngân hàng thương mại để phát triển nuôi ong và quy mô được hỗ trợ là 20 đàn trở lên. Thủ tục hỗ trợ trước mắt phải có đơn và xác nhận của UBND xã nơi mình sinh sống”.

Trước đó, chiều ngày 30/10, đoàn đại biểu đã tham quan mô hình chăn nuôi ong của tổ SX ong bạc hà do ông Sùng Sứ Pừ (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) quản lý và Cty TNHH Trường Anh (huyện Đồng Văn). Chia sẻ với đoàn đại biểu, ông Pừ cho biết, năm 2013 ông bắt đầu đến với nghề nuôi ong. Đến nay, tổ SX ong bạc hà gồm 15 hộ với tổng số là 500 đàn. Dự kiến năm 2017, sẽ thu hoạch hơn 100 lít mật.

Theo MAI CHIẾN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 83
Tổng truy cập: 39319647