Hội thảo có các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các ban, ngành nông nghiệp, các hiệp hội chăn nuôi các tỉnh, doanh nghiệp, nhiều nhà chăn nuôi..., đưa ra những thuận lợi, khó khăn trong chăn nuôi năm vừa qua và đề ra định hướng phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Võ Văn Chánh Phó Chủ tịch Tỉnh Đồng Nai đưa ra các chính sách, định hướng ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Theo ông Trần Trí Công Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tuy Hiệp hội nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ các Sở, Ban,Ngành, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số đơn vị có ý kiến trái chiều, không thống nhất, chậm triển khai tháo gỡ khó khăn... dẫn đến một số dự án không thể triển khai,đưa vào hoạt động theo đúng chủ trương chung của tỉnh như chợ Tân Biên, điểm giết mổ, quy hoạch trang trại...
Cùng với đó Hiệp hội kiến nghị nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ trong việc nhập con giống cho năng suất, chất lượng tốt, cải thiện đàn giống tại địa phương. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi tham gia chương trình VietGap, vừa đảm bảo chất lượng heo trong việc truy xuất, vừa giúp người chăn nuôi tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, hiện đại nhằm nâng cao năng suất chất lượng đàn heo, giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh... Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm khâu trung gian và nguy cơ rủi ro.
Theo ông Công sắp tới Hiệp hội cùng Sở Công Thương sẽ tổ chức quản lý lại khâu truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, nhất là khâu quản lý kích hoạt và đeo vòng truy xuất trên gia súc gia cầm, để không còn tình trạng lộn xộn như hiện nay cả ban ngành lẫn doanh nghiệp, người dân cũng có thể mua và đeo mà không đúng quy trình quy định dẫn đến việc truy xuất gặp khó khi đưa vào lò giết mổ gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và các thương lái...
Hội thảo có sự tham dự đầy đủ các ban, ngành, hiệp hội và người chăn nuôi, doanh nghiệp tham gia, ý kiến.
Ông Võ Văn Chánh Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai cần phải khắc phục trong thời gian tới từ khâu truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi đến khâu chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm. Tỉnh yêu cầu các Sở như Sở Công Thương, Sở NN và PTNT và Chi cục thú y tăng cường giám sát, quản lý thức ăn chất lượng, quy mô chăn nuôi từng vùng để có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng tránh tình trạng như thời gian vừa qua. Sắp tới, tỉnh cũng tăng cường mở rộng vùng an toàn (vùng không có dịch bệnh) trước đã thí nghiệm trên hai huyện là Thống Nhất và Trảng Bom thì nay mở rộng ra các huyện... Để có thể phát triển chăn nuôi tỉnh bền vững.