VnSAT hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy cơ giới nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất
VnSAT Kiên Giang được triển khai thực hiện trên địa bàn 8 huyện (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành, Gò Quao, U Minh Thượng và TP Rạch Giá), có 22 xã, với 47 hợp tác xã (HTX) tham gia dự án, tổng diện tích canh tác là 14.440 ha.
Ông Từ Thanh Long, Phó Giám đốc VnSAT Kiên Giang cho biết, trong năm 2017, dự án đã tổ chức được 186 lớp tập huấn cho nông dân, gồm: tập huấn lý thuyết và thực tế trên đồng ruộng theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, với hàng ngàn nông dân tham gia. Nội dung tập huấn về kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; kỹ thuật nhân giống lúa…
Qua đó, đã giúp nông dân tiếp cận và thay đổi tập quán truyền thống, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất. Cụ thể, đã giảm lượng lúa giống gieo sạ còn 80 - 120 kg/ha, giảm từ 25 - 50 kg/ha so với sạ truyền thống; giảm lượng nước tưới; giảm sâu, bệnh, dịch hại nên hạn chế số lần phun xịt thuốc từ 2 - 3 lần/vụ, riêng giảm chi phí thuốc BVTV khoảng 1,1 - 1,5 triệu đồng/vụ…
TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc VnSAT Kiên Giang cho biết, tổng kinh phí tài trợ cho thực hiện dự án này tại Kiên Giang khoảng 330 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm liên tiếp.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ cho nông dân thông qua HTX, như: đầu tư cơ sở hạ tầng, máy cơ giới nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu; tập huấn thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân, tạo mối liên kết trong đầu tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Hướng đến thực hiện chuỗi lúa, gạo một cách hiệu quả, xây dựng thương hiệu lúa, gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân sản xuất lúa.