Những con lợn ăn thức ăn sinh học
Tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Văn Mậu có diện tích 400m2 gồm 20 ô chuồng thương phẩm và nái với hàng trăm con lợn đang sống một cách sung sướng nhờ công nghệ vi sinh do HTX Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương chuyển giao.
Thịt thơm mà phân lại bớt mùi
Đây là HTX cùng lúc thực hiện 2 sáng chế khoa học của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gồm quy trình xác thực chống hàng giả để tự chứng minh bằng nhật kí điện tử và chế phẩm sinh học.
Ông Mậu cho biết, khi chăn nuôi bằng thức ăn tự phối trộn, kết hợp với công nghệ vi sinh kiểu này đạt kết quả cao hơn hẳn so với chăn nuôi theo cám công nghiệp trước đây: Chăn lợn bằng ủ men sinh học từ chế phẩm BIO EM 5 in 1, giá nguyên liệu đầu vào do đều tự có thể làm nên giảm được rất nhiều chi phí so với nhập cám viên từ các nhà máy. Với giá thành sản phẩm từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi bao cám 25kg sẽ giảm được từ 20.000 – 25.000 đồng tương đương giảm được từ 300.000 – 350.000 đồng/1 đầu lợn.
Không những giảm được giá thành mà chất lượng thịt còn tốt hơn và điều đặc biệt là chất thải ra môi trường không còn mùi hôi thối, ruồi muỗi bao vây nữa. “Bằng thời gian nuôi với 10 bao cám như của CP gồm tổng cộng 2,5 tạ thì cám tự chế ủ men sinh học cũng cho ra được 100kg lợn hơi thậm chí còn có thể đạt 110kg lợn hơi”, ông Mậu chia sẻ.
Cung cách phối trộn
Chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi thực chất là từ thành phần các loại hoa quả chế thành men nhằm kích thích cho lợn ăn ngon hơn. Cách dùng rất đơn giản, ủ với thức ăn rồi cho động vật ăn thẳng. Men sinh học với các loại vi sinh vật hữu ích sẽ hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa của vật nuôi đồng thời phân hủy hàm lượng dư thừa trong thức ăn khiến cho chất thải của chúng khi ra ngoài môi trường không còn mùi hôi thối.
Các xe đựng nguồn thức ăn có nắp đậy cẩn thận tại trang trại
Công thức pha trộn cám với chế phẩm sinh học được tính như sau: 1 kg men chế phẩm sinh học cùng 1 - 2kg rỉ mật cộng với 20 lít nước chế vào thùng phi 200 lít đậy vào ủ lên men từ 5 – 7 ngày, cho vào sử dụng ủ với cám. Ủ và phối trộn cám theo tỷ lệ như sau: 80% ngô, 10% khô đậu, lạc, 5% cám mỳ, cám gạo. Thức ăn được nghiền ra, trộn đều cùng chế phẩm sinh học với tỷ lệ phù hợp sau ba ngày chờ lên men là có thể cho lợn ăn. Các dụng cụ đựng thức ăn tại trang trại đều có thùng nắp đậy tránh ruồi muỗi tiếp xúc gây nguồn bệnh cho lợn.
Thực tế cho thấy, tại các trang trại chăn nuôi kiểu truyền thống khi trời mưa mùi hôi thối bốc lên, ruồi muỗi rất nhiều nhưng tại trang trại lợn sử dụng chế phẩm sinh học này rất ít mùi hôi thối hay ruồi nhặng. Đặc biệt, vì được cấy các loại vi sinh vật ngay từ đầu cho nên khi thải ra môi trường, phân được ủ lại từ 15 ngày đến 30 ngày trở thành phân hữu cơ và quay vòng trở lại ra ngoài ruộng, tiếp tục chăm bón cho cây trồng.
Về hiệu quả kinh tế, trước đây khi vẫn chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, thị trường lại có nhiều biến động nên trang trại của ông Mậu lỗ nhiều hơn lãi. Từ cuối 2016 sang đầu 2017, giá lợn liên tục chao đảo, rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi phá bỏ chuồng trại thì ông Mậu lại tiếp tục xây thêm ô chuồng và mở rộng quy mô đàn lợn. Và khi áp dụng chế phẩm sinh học vào trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với trước như giảm giá thành chăn nuôi, tăng giá xuất bán, khẳng định được giá trị của sản phẩm sạch.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ sinh học, chủ trang trại còn luôn tìm hiểu và nghiên cứu máy móc, xe vận chuyển, máy nghiền cám theo hướng công nghiệp hóa, tiết kiệm nhân công, lắp camera hoạt động 24/24 h để quản lý và kiểm tra hoạt động tại các ô chuồng. Hiện tại, mỗi tháng trang trại này xuất bán từ 100 – 200 con lợn thương phẩm ra thị trường.