Trao giấy chứng nhận cho hai hộ nông dân đầu tiên sản xuất thủy sản chuẩn VietGAP theo kênh của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.
Nếu tính cả dân từ nơi khác đổ về, Hà Nội đang có trên 10 triệu người tạo ra một lượng cầu khổng lồ về thực phẩm trong đó có các sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, người tiêu dùng Thủ đô ngày càng đòi hỏi yêu cầu kỹ hơn về chất lượng chứ không chỉ về số lượng. Vấn nạn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh và cải tạo môi trường nuôi đã gây ra cho họ sự lo ngại lớn vì ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
Trong khi chuẩn GlobalGAP được đánh giá là khó áp dụng vì đòi hỏi trình độ quản lý rất cao, mức đầu tư lớn thì ở mức thấp hơn, chuẩn VietGAP chính là một hướng đi mới. Tuy nhiên trên tổng diện tích mặt nước nuôi trồng của Hà Nội là 23.400ha mới chỉ rất ít diện tích áp dụng theo cách này mà mô hình VietGAP quy mô 25ha trên 5 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là một ví dụ.
Bà Đặng Thị Tươi-Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Huyện có tới 3.970ha thủy sản mà mô hình mới có 5ha, không chiếm tỷ lệ đáng là bao. Những hộ tham gia vào mô hình VietGAP qua thực tế sản xuất nhận xét làm không khó, từ việc ghi chép nhật ký đến xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, trộn tỏi, dược liệu vào thức ăn, chỉ khó mỗi là đầu ra. Hiện bà con đang hào hứng tham gia phần là bởi ham học hỏi cái mới, phần là bởi sự hấp dẫn của việc hỗ trợ như cá giống, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ 50%.
Cái quan trọng nhất là làm sao khi hết mô hình mà vẫn duy trì, mở rộng được diện tích áp dụng thì phải phụ thuộc vào giá bán cuối cùng của sản phẩm. Hiện chưa có siêu thị nào đặt hàng thủy sản VietGAP của Ứng Hòa mà nếu có một số cửa hàng thì cũng chỉ là đặt một lượng nhỏ, được cung cấp đều đặn trong khi đó đặc thù của thu hoạch cá là phải đánh một lượng lớn, tập trung nếu không giăng lưới thường xuyên sẽ có hại cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng.
“Sản xuất VietGAP gói gọn vào bốn chữ an: An toàn cho người lao động, an toàn cho vật nuôi, an toàn cho môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Thế nhưng bây giờ sản phẩm làm ra bà con vẫn phải chở đi chợ đầu mối để bán, không có hình thức nào phân biệt giữa cá sạch và cá thông thường nên giá cả cũng giống như nhau.
Giải quyết được vấn đề cách phân định giữa thủy sản sạch và thủy sản thông thường, tạo ra giá bán chênh lệch để khuyến khích người nuôi bản thân Trung tâm Khuyến nông Hà Nội không quyết định được mà phải tầm thành phố mà lớn hơn là tầm Chính phủ”, bà Tươi nhận định.
Ông Nguyễn Duy Hùng - một trong hai chủ hộ nông dân đầu tiên của Hà Nội được trao chứng nhận VietGAP cũng một nỗi băn khoăn tương tự: “Chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất như chi phí đầu tư cao, thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ thuật, thiếu nguồn con giống tốt, thiếu thông tin… nhưng quan trọng nhất là đầu ra còn bấp bênh, không ổn định, giá bán thấp nên hiệu quả chưa cao”.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm, xã Quang Lãng (Phú Xuyên) người cùng đợt trao giấy chứng nhận VietGAP với ông Hùng cho hay, nhờ sử dụng men ủ tỏi cho ăn mà đàn cá ở 4ha nuôi của nhà khỏe mạnh, lớn nhanh, hoàn toàn không phải sử dụng đến kháng sinh nên tiết giảm được một số chi phí...
Những người nuôi thủy sản rất cần được các cơ quan, ban ngành siết chặt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ xây dựng kênh tiêu thụ chuyên biệt. Nếu có đầu ra ổn định và giá bán chênh lệch so với cá nuôi thông thường thì chắc chắn sẽ khuyến khích được các hộ khác trong vùng tham gia, áp dụng để tạo nên một thương hiệu riêng.
|