Bắc Ninh: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP (31/03/2025)

Để khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tỉnh Bắc Ninh tập trung chỉ đạo các hộ nuôi trồng thuỷ sản áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.


Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAp của gia đình bà Nguyễn Thị Việt, xã Lạc Vệ (Tiên Du).

Với 1,5 mẫu mặt nước nuôi thả cá theo phương pháp truyền thống, những năm trước đây gia đình ông Trần Văn Cương ở thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài) thu hoạch được khoảng 6 tấn cá/năm. Năm 2019, gia đình ông được Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi chuyển qua nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cá tăng mạnh, ngay trong năm 2019, gia đình ông thu hoạch được gần 9 tấn cá, tăng gần 3 tấn so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ông Cương cho biết: “Áp dụng phương pháp nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mật độ thả giống sẽ cao hơn so với nuôi bình thường từ 20 đến 30%, chi phí thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh giảm đáng kể. Năng suất cá tăng, chất lượng cá bảo đảm, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên đầu ra ổn định, bán được giá, thu nhập của gia đình tôi được cải thiện hơn trước đây”.

Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Phú Thọ, xã Quảng Phú (Lương Tài) hiện có 32 hộ xã viên áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðể đánh giá mức độ phát triển của cá, định kỳ hai tuần, xã viên bắt cá lên để cân đo, ghi chép các thông số. Từ đó, xác định khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm tỷ lệ thất thoát, tránh việc thức ăn dư thừa ảnh hưởng môi trường nước.

Ngoài ra, hằng ngày xã viên còn kiểm tra khả năng ăn mồi của cá nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nước, pH, nhiệt độ, các loại địch hại. Khoảng 10 ngày ao nuôi lại được khử trùng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. Nuôi bán thâm canh theo phương pháp truyền thống cá hay bị dịch bệnh thì nuôi theo mô hình VietGAP cá sẽ ít bệnh, tăng trọng nhanh và cho hiệu quả cao hơn.

Ngoài các mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lương Tài, toàn tỉnh có 196 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng mô hình này, trong đó 183 cơ sở, hộ nuôi ao đất với diện tích xấp xỉ 100 ha, năng suất trung bình đạt 8 đến 11 tấn/ha/năm; 13 cơ sở, hộ nuôi lồng trên sông với hơn 200 lồng nuôi, năng suất trung bình 4,5 đến 6 tấn/lồng.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh khẳng định, việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, qua đó tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm và nâng cao được giá trị sản xuất. Ðồng thời, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn, bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, đa số cơ sở nuôi trồng thủy sản VietGAP trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi chưa đồng bộ, nguồn vốn của các chủ hộ áp dụng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế cho nên có một số mô hình chưa bảo đảm 100% tiêu chí đánh giá. So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP phải quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như: Nguồn nước, thức ăn, con giống... và mọi quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, hóa chất đều phải ghi chép vào nhật ký ao nuôi, trong khi các chủ hộ đã quen với tập quán sản xuất cũ, chỉ dựa vào kinh nghiệm nên quá trình nuôi còn gặp một số khó khăn, bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó, nuôi theo hướng VietGAP có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, công lao động nhiều hơn nhưng không phải hộ nuôi nào cũng tìm được đầu ra ổn định. Khi thu hoạch, việc thu mua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá bán chưa có nhiều khác biệt so với nuôi thông thường cho nên nhiều chủ hộ không mặn mà với phương pháp nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGAP có sự phát triển, tạo thành phong trào sâu rộng, tự giác đối với các hộ chăn nuôi, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường tập trung tổ chức sản xuất thuỷ sản gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế của từng vùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tổ chức sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng nuôi cá thâm canh, vùng nuôi cá lồng trên sông nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân tham gia sản xuất thủy sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; Tiếp tục ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Theo Bá Đoàn/ thuonghieucongluan.com.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 232
Tổng truy cập: 40956650