Tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh hiện có khoảng 590 lồng, bè nuôi cá điêu hồng, sản lượng trên 42.000 tấn/năm, chiếm 47% số lượng lồng bè toàn huyện, trong đó Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng Bình Thạnh có 109 bè/19 hộ. Năm 2014, Trạm Khuyến nông kết hợp với Phòng NN và PTNT và UBND xã Bình Thạnh đã triển khai thực hiện mô hình VietGAP trên cá điêu hồng tại HTX này, sau 8 tháng triển khai thực hiện đã có 55 lồng bè của 10 hộ nuôi được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ảnh minh họa
Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ nuôi đã được các ngành chuyên môn tỉnh, huyện tổ chức tập huấn về cách ghi chép nhật ký sản xuất, kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng trị bệnh đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiệu quả từ việc áp dụng đúng quy trình sản xuất như: mật độ nuôi, sử dụng phù hợp thức ăn, thuốc góp phần giảm chi phí từ 2 – 3%, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể, năng suất tăng hơn 2% so với nuôi theo hình thức truyền thống.
Đặc biệt, sản phẩm bán ra thị trường dễ dàng hơn vì người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm cá điêu hồng đạt chuẩn theo VietGAP. Sau một năm thực hiên, một hộ nuôi thuộc HTX đã thu hoạch được 8 bè cá điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bán với giá từ 34.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn ngoài mô hình từ 1.000 -2.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hộ nuôi này cho biết, được chứng nhận VietGAP như một cơ sở vững chắc để không bị thương lái chèn ép giá như trước đây.
Đây là tín hiệu vui cho bà con nuôi cá điêu hồng Bình Thạnh, là cơ sở để sản phẩm cá điêu hồng đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.