Ông Bùi Minh Dũng bên đầm tôm của gia đình
Trồng rừng lấn biển
Nằm giữa 2 cửa sông Lạch Tray và Cấm, phường Tràng Cát, quận Hải An được thiên nhiên hào phóng phú cho bãi bồi rộng hơn 1.000ha, rất thích hợp với nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2000, ông Bùi Minh Dũng ở khu dân cư Trực Cát, phường Tràng Cát bắt đầu hành trình trồng rừng ngập mặn chắn sóng, đắp đê lấn biển, cải tạo thành đầm nuôi tôm cua tự nhiên.
Quá trình đắp con đê biển dài tới 4km của ông Dũng là một câu chuyện phi thường đối với những người dân ở Tràng Cát. Lúc bắt đầu đắp đê, bùn ngập đến bụng. Đổ đất đến đâu, sóng dập đi đến đấy.
“Nhiều lúc đối diện với đại dương mênh mông, thấy sức người quá nhỏ bé trước sức mạnh của thiên nhiên, tôi nản vô cùng, định bỏ dở công việc. Nhưng với sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương, tôi quyết tâm phải làm bằng được”, ông Dũng kể.
Để thắng biển, “chiến thuật” của ông là trồng rừng chắn sóng cả phía ngoài và phía trong con đê định đắp. Sau khi đổ đá làm nền vững chắc mới đổ đất đắp đê. Cứ 5 tháng lại đắp thêm một lần, dần dần từng tí một. Đất đắp đến đâu thì đổ đá ép chặt xung quanh đến đấy, sườn phía ngoài đê thì phủ thêm bạt để chắn bớt sóng.
Suốt 4 năm trời từ năm 2004 - 2008, hàng tỷ đồng đổ xuống biển mới hiện lên con đê vững chắc đánh dấu bước chân người lấn biển. Sau đó, hằng năm vẫn phải tu bổ, gia cố thêm cho đê. Trong thời gian hình thành con đê, rừng ngập mặn ông trồng đã tạo sinh cảnh cho tôm cá sinh sống.
Bắt đầu khai thác từ năm 2008, đến nay, ông Dũng có 42ha đầm nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh cải tiến và gần 20ha rừng ngập mặn. Đầm chủ yếu nuôi tôm sú và cua biển. Ông nhập giống từ các tỉnh phía Nam rồi tự ươm. Có ao ươm tôm riêng, ươm cua riêng. Thức ăn cho những ao ươm này là hỗn hợp thức ăn nghiền sẵn, cá nấu chín xay lấy nước và trộn thêm lòng đỏ trứng gà. Được nửa tháng, khi chúng tự đi kiếm ăn được thì thả ra đầm to.
Ông Dũng (phải) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân phường Tràng Cát
Vụ mùa (vụ chính) từ khoảng tháng 1 - 2 đến giữa tháng 6 âm lịch, ông thả 3 triệu con tôm sú, 5 vạn con cua biển. Vụ chiêm (vụ phụ), từ tháng 7 - 8 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán thả khoảng 1/3 lượng con giống so với vụ mùa. Hàng tháng ông lại thả gối một lứa tôm, cua giống, sau 6 tháng có thể thu hoạch.
Chúng không được nuôi bằng thức ăn công nghiệp mà hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên. Ông Dũng cho biết, hằng ngày, ông mua thêm con dắt thả xuống đầm cho tôm cua ăn. Trung bình cứ 2 ngày thì thả 500kg con dắt.
Do được nuôi tự nhiên, tôm cua của ông Dũng là sản phẩm sạch, chất lượng cao. Tôm thường nặng gần 100g/con, có con sống gối 2 vụ nặng tới 200g, giá bán khoảng 700 nghìn đồng/kg. Cua giá 300 - 400 nghìn đồng/kg tại đầm. Với năng suất đạt 5 tấn (tôm, cua, cá tự nhiên)/ha/năm, doanh thu khu đầm đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi thu hoạch xong, ông lại vệ sinh đầm nuôi, tu sửa lại bờ kè. Đầm được tháo hết nước, phơi khô đất mặt đáy rồi lại lấy nước biển cùng với các loại con giống trong tự nhiên vào nuôi cùng với con giống đã mua về.
Kết hợp du lịch sinh thái
Bác Lê Văn Thành ở khu Áng Dài, xã Phù Long, huyện Cát Hải cũng nuôi tôm cua dưới tán rừng ngập mặn, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
Nuôi tôm cua dưới tán rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái
Trước năm 1990, bác Thành làm nghề đánh bắt ven bờ. Sau đó, bác tới khai phá đầm Cái Viềng, làm đầm nuôi tôm sú theo cách truyền thống của những ngư dân Phù Long. Đó là phá rừng ngập mặn để nuôi thả tôm cua. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, lại bị nhiều lần vỡ đầm, bác gặp thất bại. Quan trọng hơn cả là cách làm đó phá vỡ cân bằng sinh thái, ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên.
Nhận thức được điều đó, đồng thời được học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi thủy sản, bác Thành đã tích cực tham gia mô hình xen canh nuôi tôm cua cá kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Nay bác đã có 27ha rừng ngập mặn có nuôi thả tôm sú, cua biển, nhiều loại cá tự nhiên, thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.
Đặc biệt, gia đình bác còn kết hợp nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái cộng đồng. Bác dùng tôm cá trong đầm để chế biến các món ăn cho du khách, ai ai cũng hài lòng vì sản phẩm sạch, thơm ngon, giá cả phải chăng.