Cá rô phi có thị trường ổn định trong nước và cả xuất khẩu
Hiện giá cá rô phi tương đối ổn định, rô phi giống từ 65.000 - 70.000 đồng/kg (khoảng 220 con/kg), rô phi thương phẩm từ 30.000 - 45.000 đồng/kg (500 gram/con), tùy theo thời điểm. Nuôi cá rô phi cần chú ý các loại bệnh ký sinh trùng, gan thận mủ, xuất huyết.
Ở ĐBSCL có thể thả nuôi cá rô phi trong ao hầm, lồng bè, hoặc ruộng cấy lúa. Thức ăn của cá rô phi dễ kiếm, rẻ tiền như cám, rau muống, bột cá và đặc biệt là thức ăn công nghiệp. Thịt cá thơm ngon, dễ chế biến nên được người tiêu dùng ưa thích. Ngoài ra, cá rô phi còn có khả năng chịu được nhiệt độ cao, hàm lượng oxy thấp, nước lợ.
Hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi cá tra, cá điêu hồng, cá lóc, nhưng anh Phạm Văn Sơn, ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) lại chuyển sang nuôi cá rô phi. Sau khi nuôi hiệu quả, đầu năm 2013 anh Sơn tiếp tục thả 100.000 con giống, kích cỡ 200 con/kg. Anh cho ăn thức ăn hỗn hợp gồm cám, cá biển xay, rau muống bằm...
Anh Sơn chia sẻ: "Gia đình lâu nay nuôi cá tra và buôn bán cá giống, sau khi học tập kinh nghiệm nuôi cá rô phi sinh sản của trường ĐH Cần Thơ, tôi tiến hành nuôi thử nghiệm cho hiệu quả cao. Bình quân, cá rô phi sinh sản có thể cho đẻ giống 1,5 tháng/lần. Sau đó tiếp tục nuôi ương khoảng 25 - 30 ngày là xuất bán ra thị trường".
Anh Sơn chăm sóc đàn cá rô phi giống
Theo Khoa Thủy sản (trường ĐH Cần Thơ), cá rô phi dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn đơn giản, giá thành sản xuất thấp, thích nghi cả với nước ngọt và lợ. Diện tích nuôi lý tưởng nhất từ 0,5 - 1 ha, bờ ao cao 0,6 – 0,8m, có cống cấp và thoát nước ổn định, có máy quạt nước từ 7 - 8 cánh.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thả nuôi cá rô phi thương phẩm hơn 3 năm nay. Mỗi năm trừ các khoản chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
|
Trước khi nuôi thâm canh hoặc kết hợp, ao hồ phải được tát cạn, vét bớt bùn, lấp hết hang hốc, dọn sạch cây cỏ, trang phẳng đáy, dùng 20 - 25kg vôi bột/100m2, rắc khắp đáy ao để khử chua và diệt cá tạp, phơi nắng 2 - 3 ngày. Sau đó lọc nước vào để có mức nước sâu 1,2 - 1,5m, bón lót phân chuồng ủ mục 80 - 100m2 hoặc phân đạm, phân lân để 5 - 6 ngày tạo lượng sinh vật phù du trong ao phát triển làm thức ăn cho cá, sau đó thả giống vào ao nuôi.
Việc chọn con giống thả nuôi phải khỏe mạnh, vây, vẩy hoàn chỉnh, không bị xây xát, không bị bệnh, cá sáng con, cỡ đồng đều từ 4 - 6cm. Nếu thả mật độ 15 - 20 con/m2, cho ăn thức ăn công nghiệp có thể đạt năng suất 10 - 15 tấn/ha. Nếu thả ở diện tích xen 2 vụ lúa, mật độ 0,5 - 1 con/m2 có thể kết hợp với nuôi tôm càng xanh hoặc một số giống cá khác, cỡ giống thả 8 - 10cm.
Ngoài thức ăn tận dụng trong thiên nhiên như bèo, rau muống, thân chuối bằm cần phải sử dụng thêm thức ăn công nghiệp. Cá rô phi là loại phàm ăn, để cá chóng lớn, chăm sóc cho ăn cần phải đều đặn. Nếu nuôi thâm canh phải cho ăn 2 lần/ngày vào sáng và chiều tối, lượng thức ăn sử dụng bằng 5 - 7% trọng lượng cá trong ao. Nuôi 6 - 8 tháng đạt trọng lượng từ 400 - 500 gram/con.
Cá rô phi thích ứng tốt ở môi trường ngọt, lợ
Kỹ sư Phạm Hoàng Dũng, cán bộ kỹ thuật Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp) cho biết, cá rô phi sinh sản và thương phẩm chủ yếu xuất bán sang thị trường Campuchia, Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Chính vì thế, đây là mô hình tiềm năng. Tuy nhiên, việc thả nuôi cần quy hoạch, tránh tình trạng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá nông dân thua lỗ.
Để phát triển mạnh và bền vững cá rô phi, ngành chức năng cần quy hoạch vùng nuôi cá rô phi chất lượng cao, thả nuôi theo hướng VietGAP. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất con giống đến sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp.