Nhiều mô hình hay giúp nông dân Kiên Giang thu nhập khá (01/10/2016)

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án khuyến nông đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho nông dân.


Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình quản lý cộng đồng

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, ông Hoàng Trung Kiên cho biết, năm 2016, tổng kinh phí hoạt động khuyến nông của tỉnh là hơn 37,7 tỷ đồng, gồm nguồn kinh phí khuyến nông Quốc gia, kinh phí tỉnh, huyện và hợp tác với doanh nghiệp.

Các chương trình khuyến nông tập trung vào ba mảng chính đó là: Thông tin tuyên truyền chuyển giao kỹ thuật, tập huấn nâng cao kỹ thuật nông nghiệp và xây dựng triển khai thực hiện các mô hình trình diễn.

Các chương trình, dự án khuyến nông hiệu quả, còn theo dõi như: Chương trình phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản lồng bè trên biển, chuyển giao KHKT xã nông thôn mới và một số dự án hợp tác với các tổ chức.

Các chương trình triển khai năm 2016 gồm: Chương trình thông tin tuyên truyền và tập huấn, dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình phát triển cây rau màu, cây ăn quả - cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, cơ giới hóa và bảo vệ môi trường, mô hình thủy sản mặn lợ ven biển, chuyển giao KHKT xã nông thôn mới.

Chương trình khuyến nông Quốc gia gồm: Mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, dự án áp dụng "3 giảm 3 tăng" và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP.

Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa… Một số chương trình tiêu biểu phối hợp với doanh nghiệp như trình diễn mô hình lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh (Cty CP Phân bón Bình Điền), mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở

Sở dĩ các mô hình khuyến nông tại Kiên Giang luôn đạt hiệu quả cao là do tỉnh này rất chú trọng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Kiên Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện thành công mô hình Tổ Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp xã, nhằm đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở.

Ông Hoàng Trung Kiên cho biết, qua 6 năm triển khai, toàn tỉnh thành lập và bố trí được 116 Tổ Kinh tế kỹ thuật, phủ kín 100% xã nông nghiệp trong tỉnh. Mỗi tỗ có 3 cán bộ gồm các chuyên môn: Trồng trọt – BVTV; Thủy sản, Chăn nuôi – Thú y. Đây là đội ngũ khuyến nông luân sát cánh cùng nông dân, chuyển giao KHKT, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống cho bà con, làm thay đổi bộ mặt nông thôn bằng những việc làm thiết thực.

Nuôi tôm quản lý cộng đồng

Nuôi tôm quản lý cộng đồng nhằm xây dựng vùng nuôi lớn, cùng nhau xuống giống, chăm sóc và quản lý dịch bệnh. Đây là mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông thực hiện và chuyển giao cho nông dân nhiều năm qua, đạt hiệu quả cao, giảm rủi ro, tăng năng suất và chất lượng tôm.


Nuôi tôm quản lý cộng đồng mang lại hiệu quả cao cho nhà nông

Vụ nuôi tôm nước lợ 2016, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được 105.505ha, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là nuôi luân canh một vụ tôm, một vụ lúa (tôm - lúa), đã thả nuôi 83.365ha; quảntg canh và quảng canh cải tiến 20.524ha và nuôi công nghiệp 1.616ha.

Nuôi tôm quản lý cộng đồng chủ yếu thực hiện trong mô hình tôm - lúa, giúp khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, không tuân thủ lịch thời vụ; đặc biệt là quản lý tốt nguồn nước thải thải khi có dịch bệnh xảy ra.

Theo Đ.T.CHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 168
Tổng truy cập: 39377453