Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Tuy nhiên, khi nhận diện thị trường, đa số DN xuất khẩu thủy sản cho rằng cần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Lộ trình xây dựng thương hiệu như thế nào, bắt đầu từ đâu để tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển và nâng cao hiệu quả?
Những năm trước đây, ở Bán đảo Cà Mau có một số diện tích mặt nước nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được công nhận là tôm organic. Tôm nuôi sinh thái trong đất rừng được khách hàng các nước EU mua giá cao hơn gấp rưỡi so với tôm nuôi thông thường.
Hiện nay nước ta có tôm nuôi quảng canh theo mô hình tôm - cá, tôm - lúa... tuy sản lượng không nhiều, khoảng 300-500kg/ha/năm nhưng đây chính là ưu thế có thể xây dựng, quảng bá hình ảnh tôm sạch thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây người nuôi tôm ở vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu còn nuôi thâm canh, sử dụng mô hình nuôi có vi sinh (nuôi biofloc), được các cơ quan chức năng khuyến cáo. Tuy vậy tôm nuôi thâm canh còn tùy thuộc vào thực tế vùng nuôi, đòi hỏi điều kiện kiểm soát môi trường nước nuôi tôm thật tốt.
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Theo các DN chế biến xuất khẩu tôm có sản lượng lớn ở vùng Bán đảo Cà Mau, hiện nay tôm VN xuất khẩu có 3 thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Về quy cách chế biến mỗi thị trường có sở thích mẫu mã chế biến khác nhau, việc kiểm soát phụ gia cũng khác nhau. Do đó cách làm đơn giản hơn, dễ làm hơn nhưng cần có thời gian dài mới thành hiện thực. Đó là quảng bá xây dựng thương hiệu “Tôm VN sạch, thân thiện môi trường”.
Mặt khác, ý kiến của một DN trong ngành hàng xuất khẩu thủy sản tại Sóc Trăng bày tỏ lo ngại khác: Đó là sự đồng lòng của cộng đồng DN chế biến thực hiện đúng bộ “chuẩn” để từng bước tạo dựng thương hiệu tôm VN. Doanh nhân có đủ “đức” (đạo đức trong kinh doanh) và chữ “tín” (đã ký, thực hiện đúng theo hợp đồng) trong kinh doanh chưa nhiều, có thể do xuất phát từ học vấn, trình độ văn hóa, ý thức và ý thức xã hội...
Ông Trần Trấn Khoa, Giám đốc Cty Giống thủy sản Hưng Phú (Ninh Thuận): Lấy con tôm sú sạch của Việt Nam làm nền tàng thương hiệu
Để xây dựng thương hiệu tôm Việt, yếu tố đầu tiên phải nói đến là tôm giống. Muốn có tôm giống chất lượng cần đầu tư các vấn đề cơ bản như: Chọn dòng tôm bố mẹ tốt, thức ăn dinh dưỡng chất lượng cao; Quy trình SX an toàn sinh học, không dùng kháng sinh; Quản lý xét nghiệm con giống phù hợp thực tế và ưu đãi chính sách, thủ tục, pháp lý, kiểm dịch nhanh chóng tạo điều kiện cho DN. Trên cơ sở giá thành tôm thịt ổn định thì việc đầu tư SX tôm giống có chất lượng cũng ổn định theo.
Ví dụ như một Cty nhập tôm sú bố mẹ từ Mỹ (có nguồn gốc từ một DN có tên, địa chỉ) và sử dụng nguồn nước biển tự nhiên tạo ra con giống post chất lượng nên người nuôi tôm ở Trà Vinh nuôi rút ngắn thời gian mang lại lợi nhuận khá cao. Nuôi với mật độ 25 con/m2 sau 85 ngày nuôi tôm đạt size 48 con/kg giá khoảng 150.000 đ/kg. Nếu khách hàng nuôi tôm thẻ thì lợi nhuận mang về giảm phân nửa, rất thấp, do chi phí ban đầu cao gấp đôi, đồng nghĩa rủi ro lớn. Chính vì vậy theo tôi nên chọn nuôi con tôm sú làm chủ lực đầu tư ở vùng nước lợ.
Hơn nữa, con tôm sú trên thế giới hiện ít nuôi nên cạnh tranh thấp hơn và tính bền vững rất cao. Vấn đề quan trọng là cần tạo điều kiện cho DN SX giống và hạ giá thành tôm nuôi sạch không dùng kháng sinh bán được giá cao. Từ đó người nuôi sẽ chọn giải pháp sinh học để có được sản phẩm sạch xuất khẩu và xây dựng thương hiệu tôm sú sạch VN.
|
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm SAO TA (Sóc Trăng): Nâng được trình độ nuôi, XK sẽ tăng đột biến
Có thể nói rằng thế mạnh tôm VN trên thương trường chính là trình độ chế biến của các nhà máy chế biến tôm VN thuộc hàng cao của thế giới.
Tôm VN phong phú về cách nuôi như quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh... đáp ứng nhiều dạng nhu cầu khách hàng. Nước ta có nhiều hiệp định tự do kinh tế song phương như với EU, Nhật, Hàn... nên ưu thế về thuế suất.
Tuy nhiên môi trường nước hiện nay nói chung chưa tốt. Đó là cản trở chính cho việc nuôi tôm vi sinh, không sử dụng hóa chất kháng sinh. Trại nuôi tôm Tân Nam (của SAO TA) luôn tìm tòi giải pháp nuôi sạch như nuôi ghép với cá rô phi, sử dụng vi sinh có lợi lấn át vi sinh bất lợi, xử lý nước nuôi qua lọc và khử trùng... Nhưng nói chung mức độ thành công còn thấp.
Nếu việc nuôi tôm tốt (như Indonesia, Ấn Độ...) chắc chắn kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng đột biến. Bởi nhu cầu các hệ thống phân phối cao cấp ở Hoa Kỳ, EU rất cao và tín nhiệm hàng từ VN. Nhưng họ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt chẽ. Nuôi tôm tốt (tôm sạch) thì không cần thị trường mới, bởi những thị trường cao cấp nhất VN đều đang thâm nhập. Cái cần là nguyên liệu sạch. Kế tiếp là giảm giá thành.
HP
|
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng: Nuôi tôm theo các tiêu chuẩn SX tốt
Sóc Trăng có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 53.300 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước với 47.000 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 trại kinh doanh giống tôm sú, tôm TCT (ương dưỡng) với con giống tôm được nhập chủ yếu từ các tỉnh bên ngoài như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau... và 270 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học.
Chi cục Thủy sản khuyến cáo nông dân nuôi tôm theo các tiêu chuẩn SX tốt, có trách nhiệm và bền vững như: GAP, VietGAP, ASC… Hoạt động này bước đầu tập trung vào chứng nhận cho các tổ hợp tác/HTX để làm điểm mô hình nhân rộng trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó để hạ giá thành SX, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, có sự tham gia nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân; từng bước xây dựng chuỗi liên kết SX, trọng tâm là THT, HTX và hiệp hội để làm điểm nhân rộng...
Đến nay, tỉnh đã có 10 HTX và 1 THT ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với 2 Cty thủy sản sạch (Vinaclean Food), Stapimex và 1 HTX ký liên đầu vào và thực hiện nuôi theo quy trình vi sinh của Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh.
Tuy nhiên yếu điểm lớn nhất khiến cho đường đi con tôm chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ là chưa tạo được thương hiệu tôm VN. SX còn manh mún, nhỏ lẻ và ảnh hưởng dư âm nặng nề của HTX kiểu cũ. Các đại lý, nậu vựa, ở cả đầu vào và đầu ra đã tồn tại quá lâu và chi phối rất lớn đến SX, ảnh hưởng rất lớn trong xây dựng chuỗi liên kết, tiến đến SX hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh và chi phối thị trường xuất khẩu. Ở tầm vĩ mô: Khó khăn lớn nhất là giống, thức ăn và thuốc hóa chất… nói chung đầu vào đều phải nhập khẩu.
|
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): Lo chất lượng tôm giống
Từ nỗ lực của toàn ngành thủy sản, nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng và ĐBSCL nay đã phục hồi. Dịch bệnh giảm, nuôi tôm hiệu quả, có lợi nhuận.
Tuy nhiên riêng về chất lượng tôm giống rất khác nhau. Lâu nay các trang trại nuôi tôm lớn thường đặt mua các công ty giống có uy tín và có điều kiện đem tôm giống đến cơ quan thú y của tỉnh xét nghiệm xem có nhiễm bệnh hay không. Trong khi người nuôi tôm nhỏ lẻ qui mô nông hộ ở vùng sâu, vùng xa mua con giống qua các đại lý theo kiểu như “tôm chợ”, ham giá rẻ. Tất nhiên chất lượng không đồng đều và cũng không có điều kiện xét nghiệm mầm bệnh ban đầu. Đây là mặt trở ngại không nhỏ nếu muốn giảm rủi ro dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm nuôi.
HĐ
|