Môi trường nuôi cá tra ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu
Tuy nhiên, các chất thải từ hoạt động nuôi cá tra chủ yếu ở dạng dễ phân hủy sinh học trong điều kiện các khu vực nuôi cá đều nằm ở vùng nông thôn, gần các khu sản xuất nông nghiệp nên giải pháp áp dụng để xử lý nước thải từ hoạt động nuôi cá thiết nghĩ nên hướng về áp dụng công nghệ sinh học tự nhiên và đơn giản.
Tại Thái Lan, các nhà khoa học đã sử dụng giải pháp nuôi tuần hoàn cá da trơn trong điều kiện thí nghiệm, bao gồm nước thải từ bể nuôi cá tra chuyển sang bể nuôi cá rô phi, sau 3-7 ngày được tuần hoàn lại vào bể nuôi cá tra, cho hiệu quả tốt.
Tại Đại học Clemson (Mỹ) cũng đã sử dụng hệ thống tuần hoàn để xử lý nước thải từ khu nuôi cá da trơn và tận dụng chất dinh dưỡng trong nguồn nước thải để nuôi tảo thu sinh khối sử dụng cho các mục đích năng lượng.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu sử dụng hệ thống đất ngập nước để xử lý nước thải trong nuôi cá tra cho hiệu quả. Thử nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ sử dụng cách lọc nước thải qua đất ngập nước chảy ngầm kiến tạo cho hiệu quả cao. Hiệu quả xử lý trong hệ thống này là khả quan: BOD5 đạt 84%.
Nhiều địa phương ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long… đã sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho lúa, bơm vào vườn cây ăn trái, nâng cấp nền nhà ở hay một số bà con ở ấp Khánh Hoà, xã Khánh Bình (Châu Phú, An Giang) dùng nước thải ao nuôi cá tra để nuôi trứng nước.
Một số chuyên gia ngành hàng cá tra cho rằng, các vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL có thể khuyến khích người dân nuôi cá tra thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP hay các tiêu chuẩn quốc tế khác thân thiện với môi trường. Đầu tư nghiên cứu làm rõ thành phần chất thải theo thời gian nuôi cá, xác định tải lượng các chất ô nhiễm từ các ao nuôi để tính toán diện tích và cách thức xử lý phù hợp.
Với đặc tính lượng chất thải lớn, thành phần chủ yếu là các chất dễ phân hủy sinh học, các khu nuôi nằm gần các vùng sản xuất nông nghiệp nên giải pháp thủy lợi là dẫn nước thải từ khu nuôi sử dụng cho các khu sản xuất nông nghiệp sẽ khả thi và phù hợp với điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý của các địa phương.
Đầu tư nghiên cứu và xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý chất thải phát sinh từ nuôi cá tra. Chú trọng đến giải pháp hồ sinh học kết hợp với cánh đồng tưới nông nghiệp, trong đó phải làm rõ điều kiện áp dụng, cách thức, tỷ lệ diện tích, thời gian lưu, các vấn đề nước thải phú dưỡng, cân bằng dinh dưỡng trong nước thải khi sử dụng cánh đồng tưới nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng hầm biogas đã ứng dụng thành công trong xử lý phân heo để xử lý bùn thải trong nuôi cá tra.
|