Môi trường nuôi trồng thủy sản - Thách thức lớn: Muốn nuôi tôm, phải 'nuôi nước'! (12/12/2016)

Theo ông Dương Hùng Đỗ (Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học Miền Nam), có thể dùng phân bón xử lí hiệu quả cho ao nuôi thủy sản.

Ông bảo, nguyên tắc cốt lõi để nuôi được tôm, đó là “nuôi tôm là nuôi nước”!

Ông Dương Hùng Đỗ nguyên là GĐ Cty CP Khai thác khoáng sản và Xây dựng Miền Nam. Ông không phải là một nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, nhưng lại là người đam mê với việc tìm tòi và nghiên cứu ra các chế phẩm phân bón để xử lí và cải tạo môi trường.


Nhiều ao nuôi tôm tại ĐBSCL sử dụng chế phẩm Vôi lân Địa Long để xử lí môi trường nước rất hiệu quả

Ở nhiều vùng trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên, ông được biết đến với biệt danh người “cứu tinh” cây hồ tiêu nhờ biện pháp dùng phân bón để chữa bệnh chết nhanh chết chậm cho cây tiêu. Gần đây, sản phẩm phân bón của ông Đỗ đã được nông dân tại nhiều vùng trồng cây có múi như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), cam Cao Phong (Hòa Bình)… đưa vào sử dụng có tác dụng kháng bệnh hiệu quả.

Không chỉ là “bác sĩ cây trồng”, ông Dương Hùng Đỗ còn nghiên cứu ra một số loại phân bón vi sinh có tác dụng xử lí ao nuôi thủy sản rất hiệu quả tại các tỉnh ĐBSCL.

Ông Đỗ trần tình: Do hạn hán và xâm nhập mặn rất gay gắt nên những năm gần đây, người nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiệt hại rất nặng, nhất là vùng 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Ngoài ra, do dịch bệnh nên tình trạng tôm chết cục bộ cũng diễn ra ở nhiều nơi.

Hiện tượng tôm chết vì bệnh hoặc không rõ nguyên nhân trong khoảng 30 - 45 ngày đầu tiên sau khi thả hoặc chậm lớn là khá phổ biến. Nguyên nhân (nếu tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh) chủ yếu liên quan đến cách thức cải tạo ao hoặc quản lý chất lượng nước. “Kinh nghiệm thực tiễn đã khẳng định, nguyên tắc cốt lõi là… nuôi tôm tức là nuôi nước”, ông Đỗ đúc kết.

Theo ông Đỗ, để “nuôi” được nước, cần phải nắm rõ yêu cầu chất lượng nước ban đầu cũng như diễn biến điển hình trong một vụ nuôi. Trong đó, độ mặn là một trong nhiều yếu tố môi trường cần phải kiểm soát.

Không phải nguồn nước cấp nào cũng có tính chất tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi tôm. Độ mặn phù hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng phải dao động từ 5 - 35‰. Những vùng có độ mặn thấp hơn 5‰ thường có độ kiềm thấp (20 - 60 mg CaCO3/l), khiến cho pH biến động lớn hoặc không đáp ứng được nhu cầu về khoáng của tôm nuôi.

Ngoài ra, các yếu tố môi trường cơ bản của nguồn nước ban đầu cần được kiểm tra còn bao gồm độ pH, độ kiềm và hàm lượng chất hữu cơ.

Hàm lượng chất hữu cơ trong môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ. Ngoại trừ các diễn biến bất thường của thời tiết, hầu hết các sự cố gặp phải trong ao nuôi khiến tôm bị chết hoặc dịch bệnh ở các tháng nuôi thứ 2 - 3 và sau đó đều có liên quan đến việc quản lý hàm lượng chất hữu cơ tích lũy trong môi trường.

Các nguồn nước bị ô nhiễm thường có hàm lượng chất hữu cơ cao, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và sẽ tiêu tốn nhiều oxy. Xử lý nước khi hàm lượng chất hữu cơ còn cao luôn tốn kém hơn và không hiệu quả.

Ở tháng nuôi đầu, do tổng khối lượng của đàn tôm không lớn nên lượng thức ăn đưa xuống ao không nhiều, nhưng từ tháng thứ 2, lượng thức ăn bắt đầu tăng lên. Nguy cơ ô nhiễm là thường trực do thức ăn thừa, xác lột của tôm, do phân và các chất bài tiết mà tôm thải ra. Môi trường nước bị ngộ độc hữu cơ làm cho độ pH biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi.

Do độ pH thay đổi, các loại tảo có hại bắt đầu sinh sôi và tiêu hao một lượng lớn oxy hòa tan, sản sinh ra các độc tố gây yếu hoặc chết tôm nuôi. Nước mất màu, hàm lượng oxy hòa tan giảm mạnh, các chất khí độc bùng phát gây stress cho tôm.

Theo LÊ BỀN - QUỲNH TRANG `(nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 151
Tổng truy cập: 39333740