Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Phải có sản phẩm cá tra sạch nhất, giá thành thấp nhất (15/12/2016)

Nhiều khó khăn, nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2016 vẫn có sự tăng trưởng khá. Ước tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Năm 2017, cá tra được đánh giá có nhiều lợi thế thị trường, cần được tổ chức SX tốt hơn...


Hội nghị tổng kết sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững

Ngày 14/12, tại An Giang, Bộ NN-PTNT cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra.

Giống tốt để xuất khẩu tốt

Hiện nay, toàn ĐBSCL có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, trong đó có 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể (chiếm 47,38%), có 2.486 ao nuôi thuộc sở hữu doanh nghiệp (chiếm 51,95%) tương đương khoảng 2.600ha và có 32 ao thuộc sỡ hữu của các hợp tác xã/tổ hợp tác.

Mặc dù, các DN bước đầu đã quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết, tuy nhiên số lượng vẫn chưa nhiều và chưa tạo thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Một số DN chế biến thủy sản đã xây dựng vùng nuôi riêng, tự sản xuất cá tra bột và ương cá giống, tự sản xuất thức ăn, thuốc thú y, tạo chuỗi khép kín từ sản xuất cá bột đến nuôi thương phẩm xuất khẩu. Nhưng sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cá nguyên liệu một số nơi chưa chặt chẽ, hợp đồng cung cấp và thu mua sản phẩm giữa DN với nông dân nuôi cá tra được ký kết nhưng chưa hiệu quả.

Ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Cty CP Hùng Vương, cho biết: ĐBSCL mỗi năm sản xuất trên 30 tỷ cá bột, và luôn cần lượng lớn giống chất lượng để nuôi cá thịt xuất khẩu.


Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL

Đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nơi sản xuất giống cá tra theo công nghệ cao. Cần tạo liên kết bền vững, từ con giống đến thức ăn, thuốc thú y thủy sản đảm bảo mới cho sản phẩm sạch. Tăng cường liên kết giữa DN và nông dân để có được giá đầu vào rẻ.

Diện tích nuôi cá tra thương phẩm tính đến hết tháng 11/2016 đạt 4.552ha, sản lượng đạt 1,047 triệu tấn. Ước thực hiện diện tích nuôi cả năm có thể đạt gần 5.000ha, sản lượng ước đạt 1,20 triệu tấn (tăng 9% so với 2015). Ước tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra tại các ngân hàng thương mại đến cuối năm 2016 ước đạt 23.323 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2015, chiếm 38,5% tổng dư nợ cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL.

Cty Hùng Vương đang đầu tư vùng nuôi thí điểm với sản lượng 50.000 tấn cá tra ở An Giang; nông dân được cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Năm 2017, dự kiến thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10%.

Đề nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ vốn cho DN và hộ nuôi, phải có vốn mới đảm bảo chất lượng và sản lượng XK. Riêng năm 2017 thị trường Trung Quốc tiêu thụ cá tra tăng lên 30%, họ mua giá cao hơn thị trường châu Âu, nếu nhà nước cho thanh toán đồng nhân dân tệ được thì ngành cá tra phát triển còn lớn hơn.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, để đưa cá tra trở lại thời hoàng kim như trước đây, đầu tiên phải quản lý về giống. Không có ngành chăn nuôi nào trên thế giới buông thả như giống cá tra hiện nay ở ĐBSCL.

Giống cần phải chọn lọc, đây là giống quốc gia nên giao cho hộ cá thể hay DN làm là không ổn. Cần các trung tâm nhân giống tốt để chuyển giao cho dân sản xuất. Về nguồn vốn đầu tư, nên trích phần trăm từ giá trị xuất khẩu, chuyện này An Giang sẽ đăng cai làm thí điểm để đầu tư nhân giống cá tra.

Phải tăng lợi thế

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 2016 là năm bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất đối với các tỉnh ĐBSCL, ảnh hưởng SX nông nghiệp rất lớn, trong đó có cá tra. Nhưng năm nay giá trị xuất khẩu cá tra vẫn đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng so với năm 2015.


Nuôi cá tra ở ĐBSCL

Cá tra là đối tượng có lợi thế, đối tượng này chỉ sử dụng 5.000ha mặt nước nuôi mà xuất khẩu thu về gần 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên cần thay đổi cách thức quản lý để có sản phẩm sạch nhất, giá thành thấp nhất, giảm rào cản thị trường, tạo ra thị trường đa dạng nhất để xuất khẩu.

Bộ trưởng đề nghị các cục, viện, trường, hoàn thiện sớm giải pháp từ con giống đến quy trình sản xuất, trình Bộ NN-PTNT để có giải pháp mới phát triển ngành cá tra trong những năm tới. Với doanh nghiệp, người nuôi, cần phải liên kết, dân chủ, có kỷ cương...

Phải mở rộng được thị trường xuất khẩu cá tra nhưng bên cạnh đó không ngủ quên trên thị trường nội địa. Đề nghị các DN nghiên cứu nhiều sản phẩm, chất lượng theo từng đối tượng, sở thích của thị trường trong nước ở các siêu thị lớn. Năm 2017 mở trung tâm hội chợ cá tra tại Việt Nam và làm công tác truyền thông tốt mặt hàng này.

Về mặt KHCN tập trung xây dựng từng quy trình về con giống, phối hợp viện, trường và DN cho ra cá tra bố mẹ chất lượng cao; xây dựng các quy trình chuẩn để các địa phương áp dụng.

* Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

 

Đa phần diện tích nuôi cá tra hiện nay của DN là chính, chiếm 89% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Liên kết giữa nông dân với DN chưa gắn bó nên gây khó khăn phát triển ngành hàng cá tra.

* Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam:

 

Khó khăn cá tra năm nay là chất lượng giống bị thoái hóa, ảnh hưởng đến sản lượng. Chính sách còn kém, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, DN xuất khẩu cạnh tranh chưa lành mạnh, cá tra cạnh tranh trên thế giới với cá nheo của Mỹ vẫn gay gắt.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ cá tra Việt Nam mạnh nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng vào các tỉnh cũng làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi như Bến Tre, Tiền Giang và Hậu Giang…

* Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Nam Việt – An Giang:

 

Muốn phát triển sản phẩm cần nhìn vào thị trường. Doanh số XK cá tra đang ổn định nằm ở mức gần 1,7 tỷ USD/năm, và hiện nay cá tra Việt Nam rất thuận lợi trên thế giới do chất lượng sản phẩm cao, giá bán vừa phải. Để thị trường lớn mạnh, giống nuôi là yếu tố hàng đầu để cho ra sản phẩm chất lượng.

Hiện nay, Cty Nam Việt thực hiện 3 mô hình như đầu tư thức ăn cho hộ nuôi rồi thu mua lại cá, bán thức ăn cho dân, tự mua cá về sản xuất.

* Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP:

 

Tình hình chung năm nay ngành cá tra dù có nhiều thông tin trái chiều nhưng về cơ bản là ổn định, bởi vì khả năng đáp ứng cũng như mức độ chủ động về nguồn nguyên liệu của các DN có xu hướng tăng dần.

Dù vậy DN cần phải tái cơ cấu lại vốn liếng, tái cơ cấu SX và kế hoạch của mình, từng bước ổn định sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn.

 

Theo LÊ HOÀNG VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 181
Tổng truy cập: 39333740