Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, phát biểu trong hội nghị
Ngày 16/12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội Nghị “Triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn tạp chất và kế hoạch kiểm soát hóa chất kháng sinh, tạp chất trong tôm” để tìm giải pháp giải quyết vấn đề bơm tạp chất và kiểm soát dư lượng kháng sinh trong tôm.
Báo động nạn tôm bơm tạp chất
Vấn đề tạp chất trong tôm đang là vấn nạn. Nhất là các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau. Theo Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an), năm 2016, đơn vị đã phối hợp với một số đơn vị liên quan và cơ quan chức năng Cà Mau, Bạc Liêu tiến hành đợt kiểm tra tình trạng bơm tạp chất trên địa bàn 2 tỉnh này. Đợt kiểm tra đã bắt 3 cơ sở, 2 DN sản xuất, kinh doanh sai phạm trong hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Tại Cà Mau, trong năm 2016, cơ quan ngành nông nghiệp tỉnh này tiến hành 64 đợt kiểm tra. Phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm có chứa tạp chất. Tổng số tiền sử phạt hành chinh trên 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh này còn phối hợp các cơ quan Công an địa phương, Chi cục Quản lý thị trường,... kiểm tra và xử lý thêm 36 vụ vi phạm với số lượng tôm trên 9 tấn.
Đưa tạp chất vào tôm đang là vấn nạn tại vùng nuôi tôm trọng điểm Bán đảo Cà Mau
Còn tại Bạc Liêu, ba năm qua, tỉnh này tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện tới 44 trường hợp sai phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, sử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh này đã mạnh tay với nạn tôm tạp chất và phát hiện hàng loạt sai phạm. Theo đó, trong thời gian kiểm tra cao điểm vào cuối tháng 8 vừa qua, công an kinh tế tỉnh này đã phát hiện đến 9 cơ sở bơm tạp chất vào tôm.
Thực trạng trên được đại diện Sóc Trăng, Kiên Giang thừa nhận và cho biết khá phức tạp.
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Bạc Liêu cho rằng: Người nuôi tôm không bơm chích tạp chất. Đầu mối là cac cơ sở thu mua, nhưng nếu không có nơi tiêu thụ thì người ta cũng không đưa tạp chất vào. Xem xét từ nguồn cội, chính những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tôm tạp chất đã mở đường để tình hình tệ hơn.
Theo ông Thanh, chế tài xử lý hiện nay không đủ mạnh.“Cần tăng mức xử phạt. Đến mức độ nào đó, phải đóng cửa những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta phải đưa hành vi này vào luật hình sự để đủ sức răn đe.”, ông Thanh kiến nghị.
Hội nghị có sự tham gia cảu các tỉnh nuôi tôm vùng ĐBSCL và nhiều bộ ban ngành Trung ương
Ông Lê Văn Sử Phó Chủ tịch UBND Cà Mau nhận định, vấn nạn tôm tạp mang tính chất liên thông cả vùng. Bắt buộc chúng ta phải có cơ chế giám sát.
Ông Sử Đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, mời lãnh đạo các tỉnh lại ký cam kết vấn đề trên. Địa phương nào để xảy ra tôm tạp chất, ngời đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Phải ban hành Quy chế cam kết thực hiện không bơm chích tap chất vào tôm. Cần cơ quan điều phố cho vùng ĐBSCL và có người đứng đầu xử lý, giải quyết vấn đề này của cả vùng.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2018, cơ bản không còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. Nhưng thời gian vừa qua, các địa phương ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quyết định của Trung ương về vấn đề trên. “Cần xây dựng hình thức xử lý trách nhiệm cho từng cấp quản lý. Khi phát hiện tôm tạp chất, Trưởng ấp, Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, thứ Trưởng đặt vấn đề...