Tại Hội nghị ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, đến năm 2025, chế biến, xuất khẩu tôm nuôi nước lợ phải đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Vậy, phải làm gì để sớm đạt được mục tiêu này?
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD theo kế hoạch, con tôm cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển. Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài: tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng (nhập về Việt Nam từ năm 1998, với hình thức nuôi công nghiệp).
Năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt gần 192.000 tấn (bằng 28,2% so với kế hoạch năm 2016). Tuy nhiên, với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả rất ngoạn mục: Tổng diện tích thả nuôi tôm cả năm hơn 694.000ha, đạt 100,1% kế hoạch. Tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 657.000 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng tôm sú là 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng 393.429 tấn. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3.150.723.000 USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Trong hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam, Bộ NN-PTNT cho biết, một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp hiện nay chính là BĐKH. Tuy nhiên, trong thách thức đã mở ra cơ hội cho ngành tôm phát triển.
Đánh giá về tiềm năng của con tôm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Con tôm là sản phẩm có giá trị, được ngành nông nghiệp lựa chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản và nông nghiệp nói chung.
Hiện nay, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7 tỷ người. Chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc bị khủng hoảng về giá.
“Xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều diện tích cần phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000 - 1.000.000ha (tập trung chủ yếu ở ĐBSCL). Diện tích nuôi và sản lượng tôm sú (loài bản địa) nước ta vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới (30 - 38%). Đây là loài có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn”, Thứ tưởng Tám nói.
Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành tôm là tập trung vào hạ tầng, lưới điện…
Bàn về những yếu tố căn cơ để phát triển ngành tôm trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nêu bật những giải pháp mà ngành nông nghiệp phải tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, phải tổ chức lại sản xuất, điểm mấu chốt của vấn đề là rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi, đặc biệt quan trọng.
Tập trung tăng cường đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi thâm canh. Phấn đấu đến năm 2020 chủ động được trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước; đến năm 2025 chủ động sản xuất 100% tôm bố mẹ trong nước.
Những mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới cần được nhanh chóng áp dụng, phổ biến rộng rãi. Ứng dụng các chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất phải được ưu tiên.
Trong thời gian tới, chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất sẽ được cụ thể, rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp nói chung và con tôm nói riêng phát triển.
Về giải pháp vốn, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguồn vốn tín dụng cho phát triển nuôi tôm là không thiếu. Các ngân hàng đã đồng hành cùng với doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm từ rất sớm. Năm 2016, các ngân hàng đã dành 41.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, trong đó riêng cho vay nuôi tôm chiếm khoảng 25.000 tỷ đồng. Nếu Chính phủ có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các ngân hàng sẵn sàng tham gia cho người nuôi tôm vay để phát triển sản xuất. Quan trọng là làm sao phải tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo người dân đầu tư nguồn vốn của mình an toàn, hiệu quả.
Để phát triển nuôi tôm công nghiệp, thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như thủy lợi, giao thông, điện… phải đi trước một bước. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cam kết ưu tiên phát triển lưới điện 3 pha tới các vùng quy hoạch nuôi tôm tập trung. Không để xảy ra thiếu điện phục vụ cho sản xuất…
Để ngành tôm phát huy được tiềm năng, lợi thế và tăng sức cạnh tranh, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo:
- Sớm phê duyệt và triển khai Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030 vào quý II/2017.
- Đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho con tôm.
- Rà soát, điều chỉnh lại Quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có quy hoạch lại diện tích có khả năng chuyển đổi sang nuôi tôm.
- Rà soát, ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích nuôi tôm công nghệ cao thân thiện với môi trường...
|