Doanh nhân – TS Hồ Quốc Lực (ảnh), Tổng Giám đốc Cty CP Thực Phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), từ thực tiễn SX chế biến xuất khẩu thủy sản, nông sản ở ĐBSCL đã có nhận định riêng và dự đoán thị trường với những cơ hội cũng như thách thức về mặt hàng tôm và rau quả chế biến.
Trong mấy năm qua, ngành hàng tôm VN tăng trưởng khoảng trên 5%/năm. Hiện nay ở các nước có thế mạnh nuôi tôm tăng trưởng 5% được xem là cao. Theo ông, chuyển động thị trường năm 2017 sẽ như thế nào?
Hiện nay thị trường tôm trở lại nhịp độ bình thường. Mức tiêu thụ tôm không còn cao như hồi làm hàng vào cuối năm 2016. Bởi lúc đó là giai đoạn tiêu thụ mạnh, còn nay sức mua đã giảm.
Thị trường tôm năm 2017 chưa có biểu hiện sức mua tăng cao. Trong khi đó, tôm VN xuất sang Châu Âu gặp khó khăn về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO). Lý do vừa qua hàng bị làm giả CO nhiều quá nên họ tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện thấy sẽ bị phạt nặng. Hiện nay có 7 nhà máy trong nước đang bị kiểm tra, trong đó tại Sóc Trăng có 2 nhà máy.
Bên cạnh đó, Úc có lệnh cấm nhập tôm tươi VN trong vòng 6 tháng để kiểm tra về bệnh đốm trắng. Nguyên do trước đó, tại vùng phía Đông một bang Queensland của Úc đang nuôi tôm bị dịch bệnh này. Vì vậy Úc đang kiểm tra xem dịch bệnh có nguồn gốc từ đâu.
Tuy nhiên chỉ riêng với sản phẩm tôm tươi bị kiểm tra, còn sản phẩm tôm luộc sang Úc thì không đáng ngại. Các DN xuất bán tôm luộc vẫn bình thường.
Trở lại vụ kiện tôm VN tại Mỹ thì sao thưa ông?
Đối với thị trường Mỹ, chiến lược bảo hộ hàng trong nước của Chính phủ mới có thể dẫn tới vụ kiện thuế chống bán phá giá đối với tôm VN có xu hướng xấu đi. Do vậy XK tôm vào Mỹ năm nay sẽ không mấy thuận lợi.
Sau tháng 5 tới sẽ biết kết quả có thể huỷ bỏ thuế kiện chống bán phá giá hay không. Nếu huỷ bỏ sẽ rất tốt, vụ kiện sẽ chấm dứt. Còn nếu không vụ kiện sẽ còn kéo dài, hàng năm phải làm thủ tục hành chính và sẽ xem xét, tính thuế cứ 5 năm làm lại 1 lần.
Nhưng dù sao nếu vùng nuôi tôm tốt, khống chế được dịch bệnh, đạt sản lượng cao sẽ vẫn có cơ hội?
Đúng vậy, vấn đề bây giờ là nếu chúng ta nuôi tôm đạt chất lượng tốt thì sẽ bán được giá tốt, vì thị trường đang cần. Bởi vì, nói năm qua thị trường tôm tăng trưởng nhanh nhưng thực tế cung không đủ cầu và tôm không dư thừa. Người nuôi tôm tôm trúng, có tôm là bán được.
Tuy vậy cần thấy rằng năng lực nuôi tôm ở nước ta, nhất là ở ĐBSCL muốn tăng sản lượng hiện cũng gặp không ít khó khăn. Một phần do tâm lý người nuôi còn lo sợ, nhất là dịch bệnh. Nuôi tôm ủi ro cao, lỗ lã thường xuyên.. là nguyên nhân chính khiến người nuôi tôm còn ngán ngại.
Đối với người có hiểu biết và kinh nghiệm nuôi tôm thì không có vốn nhiều để đầu tư. Một số người có đất đai rộng nhưng thực tế nuôi không được nhiều vì lý do trên. Còn những nhà đầu tư có vốn nhưng không thể nào bỏ vốn ra nuôi tôm hết, vì e ngại rủi ro nên phải làm dàn trải, đầu tư sang lĩnh vực khác như một cách để giảm thiểu rủi ro.
Ở vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, nhìn thực lực cung cấp nguyên liệu hiện nay, ông có đánh giá gì?
Vùng ĐBSCL chiếm hơn 70% sản lượng tôm cả nước. Thông thường hiện tượng thiếu hụt tôm nguyên liệu tái diễn vào những tháng đầu năm và hai tháng cuối năm. Trong năm rơi vào tháng 11 tháng 12, tháng 1 tháng 2. Tháng 3 bắt đầu có tôm trở lại.
Trong những tháng thiếu tôm nguyên liệu, nguồn cung tại ĐBSCL chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến các nhà máy. Thiếu hụt nguyên liệu thì nhà máy sẽ giảm nhịp độ SX, không có cách nào khác, phải chấp nhận thực trạng này. Hơn nữa, thời điểm này nhà máy không còn những hợp đồng gấp rút và đã giảm nhịp độ giao hàng.
Chế biến tôm xuất khẩu của Cty SAOTA (Fimex-Soc Trang) - ảnh TL
Hiện có thông tin về dịch chuyển đầu tư nhà máy gia công chế biến sang VN, điều này có ảnh hưởng gì, thưa ông?
Năm 2016 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch đạt khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Trong đó tôm có giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 3,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015, chiếm 44% về giá trị (tôm chân trắng chiếm 61%, tôm sú chiếm gần 31%, tôm biển khác chiếm 8%).
|
Vừa qua có xu hướng dịch chuyển những nhà máy chế biến gia công từ nước khác vào Việt Nam, nhưng âm thầm, không rầm rộ. Các nhà máy gia công chế biến khá nhàn tản và có thể chủ động thương thảo với khách hàng về kế hoạch SX. Phí gia công ở mức căn bản nên không có thể có lãi nhiều. Mặt lợi của nhà máy gia công là chủ động được kế hoạch SX ổn định, tạo việc làm cho công nhân thường xuyên.
Vừa qua Nhà máy Chế biến nông sản An San thuộc Cty CP Sao Tao đã tìm ra con đường riêng bằng cách phối chế giữa hai sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu, bước tiến triển này hé mở điều gì?
Nhà máy An San là sự phối hợp giữa hai ngành chế biến thủy sản và nông sản. Do là sản phẩm nông- thủy sản phối chế nên không phải ai muốn cũng làm được. Do trước đây Sao Ta chuyên chế biến thủy sản, trên nền tảng đó sau này nhà máy An San chế biến sản phẩm nông-thuỷ sản ra đời.
Dù vậy An San phải mất 7 năm cầm cự, từng bước tiếp cận khách hàng có được thị trường mới thoát lỗ để SX hiệu quả. Do đó muốn đặt kế hoạch SX và chiến lược kinh doanh một nhà máy chế biến từ nguyên liệu nông-thủy sản là cả quá trình không đơn giản.
Theo ông, khó nhất trong lĩnh vực chế biến nông-thủy sản hiện nay là gì?
Đó là tìm được khách hàng chịu mua những gì của mình hoặc họ mua với giá thấp hơn mình bán. Ví như so với Trung Quốc SX hàng rất rẻ thì hàng Việt khó cạnh tranh, phải tìm cách để né họ.
Hàng Việt đang hướng đến sản phẩm sạch, SX nông phẩm hữu cơ, nhưng bằng cách nào, con đường nào? Đó là môi trường sạch sẽ chế biến ra những sản phẩm sạch. Nhiều năm trước khách hàng Nhật Bản yêu cầu những sản phẩm nông sản sạch SX theo quy trình của họ là một điều rất khó khăn. Thế nhưng chúng ta không phải không làm được.
Sản phẩm hàng nông sản phối chế của An San trước khi xuất khẩu đã được kiểm tra rất kỹ. Từ khâu nguyên liệu đầu vào phải chọn trang trại, đặt hàng SX. Các trang trại SX nông sản rau củ quả cam kết làm đúng theo hợp đồng: Đảm bảo nông sản sạch trước khi đưa đến nhà máy chế biến.
Trong thành phần nguyên liệu nông- thủy sản phối chế, riêng nguyên liệu thủy sản (nuôi dưới nước), chúng tôi đã kiểm chắc chắn đảm bảo 100%, còn nông sản (cây trồng trên đất) lo nhất là phải kiểm tra về dư lượng thuốc BVTV.
Tuy vậy thực tế mấy năm qua sản phẩm nông-thủy sản phối chế của An San kiểm tra luôn đạt yêu cầu chất lượng xuất sang Nhật. Hiện nay sản phẩm phối chế đã bắt đầu tiếp cận một số thị trường mới, xuất sang Châu Âu, Singapore và chào hàng mẫu bán qua Mỹ.
Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm Seafood mix hay là rau quả như khoai, cà tím, ớt chuông...xuất sang Nhật đang tăng lên.
Xin cám ơn ông!