* Đề phòng thời tiết bất thường
Tất bật vụ tôm mới
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Nguyễn Quốc Việt (ấp Bình Thới 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Có được căn nhà khang trang hôm nay là nhờ 2 năm qua tôi mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm VietGAP với 4.000m2. Qua đó, mỗi năm thu lãi hơn 500 triệu đồng".
Nông dân Long An tất bật vào vụ nuôi tôm mới
Theo ông Việt trong quá trình nuôi, ông áp dụng phương pháp 3 sạch và đúng kỹ thuật: Nguồn giống sạch bệnh, qua kiểm dịch; tạo môi trường sạch bằng sản phẩm vi sinh tốt; thức ăn là sản phẩm sạch. Sau hơn 2 tháng nuôi, tỷ lệ sống 70,31%, cỡ tôm thu hoạch 50 con/kg với giá bán 110.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 195 triệu đồng/vụ.
Cũng như ông Việt, ông Hồ Văn Lê, ngụ cùng ấp cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ tôm mới. Ông Việt vui mừng cho hay: “Tôi nuôi tôm lỗ 7 vụ liên tiếp, số tiền nợ lên đến 500 triệu đồng. Nhưng vừa qua, khi tham gia mô hình nuôi tôm VietGAP với diện tích 4.000m2, sau 2 tháng 20 ngày nuôi, tôi thu hoạch ngoài 4 tấn tôm, cỡ 50 con/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời gần 200 triệu đồng. Vụ tôm mới này, dù không còn được hỗ trợ từ mô hình nuôi tôm VietGAP của Trung tâm Khuyến nông Long An, ông Việt vẫn tiếp tục nuôi tôm theo quy trình VietGAP.
Ngoài các mô hình nuôi tôm VietGAP, hiện nay trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có 15 hộ nuôi tôm trong nhà màng, có trải bạt đáy ao, cho ăn tự động,... tập trung ở các xã Phước Vĩnh Tây, Phước Lại, Long An, Trường Bình.
Qua khảo sát cho thấy, năng suất nuôi trong nhà màng rất cao, đạt 35 tấn/ha. Đây chính là động lực thúc đẩy người dân chuyển dịch nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện trong thời gian tới.
Ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc cho biết: "Hướng đến mục tiêu phát triển nghề nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, huyện tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ; khuyến khích nông dân nuôi tôm VietGAP, áp dụng mô hình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng nguồn giống bảo đảm chất lượng, nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Song song đó, huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ quy mô công nghiệp khu vực đê bao Ông Hiếu, Voi Đồn, xã Long Phụng và đê bao Rạch Đập, xã Phước Vĩnh Tây; đồng thời tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu để học hỏi kinh nghiệm".
Trở ngại bởi thời tiết
Theo Sở NN-PTNT Long An, đến nay tổng diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh là 473,2ha, tập trung các huyện vùng hạ. Diện tích thu hoạch 400,2ha, năng suất bình quân ước 1,9 tấn/ha, sản lượng 745,7 tấn. Trong đó, tôm sú diện tích thu hoạch 89,5ha, năng suất 1,4 tấn/ha, sản lượng 122,8 tấn; tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch 310,7ha, năng suất 2 tấn/ha, sản lượng 622,9 tấn.
Ngoài các mô hình nuôi tôm theo VietGAP, mô hình nuôi tôm trong nhà màng, trải bạc đáy ao, cho ăn tự động đang được nông dân nhân rộng
Tuy nhiên thời tiết trước và sau tết diễn biến bất thường làm tôm nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh chậm phát triển và bị bệnh đốm trắng, bệnh đỏ thân rải rác ở một số khu vực nuôi tôm ở các huyện vùng hạ.
Ở xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, nhiều hộ dân mất trắng do tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Lê Cao Nghĩa, tổ hợp tác nuôi tôm Bằng Nghĩa cho hay: "Hiện nay, thời tiết khá phức tạp, xuất hiện bệnh đốm trắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến người nuôi. Gia đình tôi có gần 1ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng vừa mới thả cách nay 1 tháng nhưng không thu hoạch được do tôm bị nhiễm vi-rút đốm trắng, thiệt hại ước tính lên đến 100 triệu đồng".
Tại huyện Cần Đước, một số hộ nuôi tôm để gỡ vốn, đã thu hoạch tôm nhỏ còn non tháng. Ông Nguyễn Quang Thanh (xã Long Hựu Tây) cho biết: “Thời tiết không thuận lợi, xuất hiện nhiều dịch bệnh trên tôm, nhất là tôm bị nhiễm vi-rút gây bệnh đốm trắng, khi bị bệnh này, hầu như tôm chết hết. Nên muốn “gỡ” lại vốn, chúng tôi thu hoạch sớm khi phát hiện vi-rút đốm trắng,...”.
Theo ông Phạm Phú Hùng, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Long An, khung thời vụ nuôi tôm bắt đầu từ 15/1 đến 30/11/2017. Đây chỉ là khung chung để có sự chuẩn bị tốt. Nhưng, cần chú ý là tùy từng nơi khi điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi thì mới xuất phát vụ thả nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn nguồn giống uy tín, chất lượng. Các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm, xét nghiệm và kiểm dịch đầy đủ con giống trước khi xuất bán và thả nuôi để tránh bùng phát dịch bệnh.
Đồng thời, phải kiểm tra các bệnh nguy hiểm; thả mật độ vừa phải (40 - 50 con/m2); hạn chế sử dụng hóa chất kháng sinh bị cấm; tăng cường sử dụng vi sinh đường ruột và chế phẩm sinh học xử lý môi trường; tăng sức đề kháng và nâng nhiệt cơ thể tôm; sử dụng vật tư, thuốc thú y thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng; cải tạo ao thật kỹ, đúng quy trình, nhất là khâu lọc nước và diệt các giáp xác.
Theo ông Hùng: Sở dĩ một số diện tích nuôi tôm của người dân bị nhiễm bệnh là do nông dân nôn nóng thả tôm sớm trước lịch thời vụ theo khuyến cáo (từ 15/1/2017) để mong bán giá cao lúc thời tiết chưa thuận lợi, chuẩn bị ao chưa kỹ,... trong lúc tôm còn nhỏ, đang ở giai đoạn mẫn cảm (30 -45 ngày) nên sức đề kháng kém, đây là điều kiện bộc phát bệnh đốm trắng. Hiện tôm có dấu hiệu bội nhiễm đốm trắng và các bệnh về đường ruột rất khó điều trị.
Vì vậy, người nuôi cần theo dõi để thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại. Không riêng trên địa bàn tỉnh mà nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tôm cũng đang bị dịch bệnh đốm trắng.
Đối với ao bị nhiễm bệnh, cần: Nhặt hết xác tôm chết, hút sạch bùn đáy ao, rải vôi nóng và phơi ao; thả nhiều cá rô phi, cá chép, tôm càng xanh; cấy vi sinh có lợi bổ sung để cải thiện môi trường; xử lý ao tối thiểu 30 ngày, sau đó, kiểm tra mật độ khuẩn thật kỹ mới thả nuôi lại.
|