Trên thị trường cá tra xuất khẩu (XK), dù vẫn chưa hết khó khăn nhưng cơ cấu tỷ trọng thị trường một số nước đã có sự thay đổi. Trước dự báo đến quí I/2017 XK cá tra tăng 20%, vùng nuôi cá tra cần phải làm gì để tránh tăng trưởng nóng?
Nguồn cung giảm, giá tăng
Hiện nay nguồn cung cá tra nguyên liệu thấp điểm, tăng giá với mức 22.000 - 23.000 đồng/kg kéo dài từ tháng 10/2016 đến nay. Một số địa phương bắt đầu vào vụ thả giống.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, HTX Thủy sản Thới An, quận Ô Môn - Cần Thơ, cho biết: Vào thời điểm này do giao mùa cuối vụ cá tra giống nên hút hàng, giá tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Cá tra giống cỡ 30 g/con giá 1.300 đồng/kg, với 1kg khoảng 30 con là 38.000 - 39.000 đồng/kg. Trong khi so với cùng kỳ năm trước giá cá tra giống cỡ này 18.000 - 19.000 đồng/kg.
Nhìn lại có thể nhận thấy năm 2016 ngành hàng cá tra vẫn chưa thoát khỏi cảnh thăng trầm. Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, năm 2016 diện tích nuôi mới cá tra trong vùng trên 3.000ha, giảm 11% so năm 2015, nhưng sản lượng vẫn đạt trên 1 triệu tấn nhờ năng suất tăng (do cá quá lứa tăng), đạt trung bình 313 tấn/ha (năm 2015 là 285 tấn/ha). Hơn nữa, trong khi cơ cấu tỷ trọng của thị trường XK ở các nước EU, ASEAN có xu hướng giảm thì thị trường Mỹ và thị trường mới là Trung Quốc và Hồng Kông tiêu thụ tăng lên.
Diễn biến thị trường cá tra nguyên liệu những tháng đầu năm 2016 mức thấp 18.000 - 19.000 đồng/kg, vào cuối tháng 5 có lúc tăng lên 22.500 - 23.000 đồng/kg và từ tháng 10 đến cuối năm khi nguồn cung sụt giảm khiến giá cá dao động mức cao 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Song song đó, giá cá tra giống ảnh hưởng kéo theo từ giá cá tra nguyên liệu, dao động mức 16.500 - 28.500 đồng/kg (loại 30 con/kg). Riêng trong tháng 1/2017 vừa qua, Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết có 184ha thả nuôi cá tra mới, giảm 39% so với cùng kỳ và có 174ha nuôi cá tra thu hoạch, giảm hơn 18% so cùng kỳ năm 2016; sản lượng đạt khoảng 53.800 tấn, giảm 22% so cùng kỳ.
Trước hiện trạng nguồn cung giảm, giá cá tra nguyên liệu cao hơn giá thành nuôi cá khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng qua thăm dò người nuôi cá tra ở các tỉnh trong vùng cho biết sẽ không có hiện tượng người nuôi cá tự phát thả nuôi ào ạt trở lại như những năm trước, bởi nhiều lý do: Yêu cầu ao nuôi có cấp mã số, nuôi cá theo chuẩn VietGAP... Đặc biệt để tránh rủi ro, nuôi cá cần có hợp đồng liên kết, tiêu thụ với DN.
Trở ngại mới, cần chuẩn từ vùng nuôi
Theo bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), khó khăn mới đây cá tra XK vào thị trường EU gặp trở ngại khi Carrefour - một tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số nước.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL
Theo đó, tại Tây Ban Nha có yêu cầu loại sản phẩm cá tra Việt Nam ra khỏi thực đơn ở các trường học. Để tháo gỡ trở ngại và làm sáng tỏ vấn đề này, VN Pangasius đã làm việc với Tổ chức chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices - thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) thành viên của Liên minh Thủy sản toàn cầu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, có thể họ quan ngại về chất kháng sinh có thể phát sinh trong quá trình chế biến thực phẩm. Dự kiến trong tháng 3/2017, tại Hội chợ thủy sản Brussels (Bỉ), VN Pangasius sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn Carrefour để tìm hiểu rõ vấn đề.
Trước khó khăn mới cũng như các vụ kiện phá giá, trở ngại về hàng rào kỹ thuật đối với ngành hàng thủy sản đã từng xảy ra ở thị trường một số nước trong thời gian qua, một số DN chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, cho rằng: Giá cá tra nguyên liệu tăng thời gian qua phản ánh đúng thực tế cung - cầu. Hiện nay sức cung thấp nên giá cá tăng là đúng quy luật.
Giá cá nguyên liệu sắp tới diễn biến ra sao còn tùy thuộc vào giá bán và một số sản phẩm cá trắng ở các nước khác đang cạnh tranh trực tiếp với cá tra trên thị trường xuất khẩu.
Do vậy, cách để cá tra sống là tự tìm thị trường riêng cho mình. Có thể xem Trung Quốc là một điểm đến, nhưng sự bấp bênh, rủi ro từ thị trường này không ai lường hết nên không thể quá kỳ vọng, chỉ thâm nhập từng bước để tìm vị trí vững vàng.
Mặt khác, lợi thế lớn nhất vừa qua chính là sắp xếp lại “đội hình” SX theo Nghị định 36/CP. Đến cuối năm 2016 có 4 tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp đã ban hành quy hoạch vùng nuôi cá tra; các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và TP Cần Thơ đã hoàn thiện công tác rà soát quy hoạch chờ phê duyệt.
Đến nay có trên 4.700 ao nuôi được cấp mã số nhận diện và cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu. Đáng chú ý về áp dụng thực hành tốt nuôi thủy sản, đến tháng 9/2016 có 3.000ha nuôi cá tra, chiếm 60% diện tích được chứng nhận GAP và các tiêu chuẩn tương đương, trong đó có hơn 960ha đạt chứng nhận VietGAP.
Việc sắp xếp ao nuôi, cấp mã số quả là việc cần làm để kiểm soát chất lượng và thuận lợi truy xuất nguồn gốc, quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó cơ quan chuyên trách quản lý quy hoạch, lên kế hoạch SX cần tính toán thống kê sức mua đáp ứng phù hợp theo mức độ thâm nhập ở từng thị trường XK, tạo lợi thế ổn định cho ngành hàng cá tra.
Theo VN Pangasius, dự báo của Bộ NN-PTNT, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng khoảng 20% ở hầu hết các thị trường trong quý I/2017. Trong đó XK cá tra sang thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng cao gấp rưỡi thị trường Mỹ.
Từ thực tế liên quan hoạt động SX, tiêu thụ cá tra và nhu cầu của thị trường, Tổng cục Thủy sản đề xuất kế hoạch SX năm 2017 diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 - 5.500ha, sản lượng dự kiến trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch XK trên 1,7 tỷ USD.
Năm 2016 cá tra XK đạt trên 1,7 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Trong đó thị trường chính: Mỹ chiếm 22,6%, Trung Quốc và Hồng Kông 17,8%, EU chiếm 15,2%, giảm 3,02% so với năm 2015.
|