Bà Đặng Khánh Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh và Tổ chức GIZ thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), đơn vị đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân nuôi tôm – lúa, tôm thâm canh và cá chạch bùn... xây dựng quy trình nuôi VietGAP. Sau khi nuôi, các hộ được cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cá chạch bùn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tốt tại các nhà hàng ở TP Rạch Giá
Cụ thể, tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Cty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Trường, tổ viên có 2,6 ha mô hình cho biết, nuôi tôm – lúa theo VietGAP đòi hỏi người nuôi phải được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách cẩn thận, tuyệt đối không dung chất cấm, hóa chất ngoài danh mục.
Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là người làm ra tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người SX, môi trường nuôi được bền vững, nên người nuôi rất yên tâm. Một khi thị trường tiêu thụ tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên theo.
Trước đó, tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) được TTKN Kiên Giang phối hợp với Cty TNHH Công nghệ NhoNho trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú, kinh phí do Tổ chức GIZ tài trợ. Tổ hợp tác có 4 hộ nông dân cùng nuôi, sản lượng tôm sú 8 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Năm nay, tôi thu trên 1.000 kg tôm/2ha, bán được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi một nửa”.
Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình, nông dân phải có từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ như xới mặt ruộng, xả bỏ nước, rải vôi bột cả trên bờ lẫn mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào vèo và ao nuôi. Tôm nuôi 2 giai đoạn, và trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.
Sau khi kết thúc vụ tôm, các hộ dân tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa được hỗ trợ làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ, thu mua chế biến, đóng gói gạo VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, bà Đặng Khánh Hồng cho biết thêm.
Ngoài mô hình tôm - lúa, có 6 cơ sở tại huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên đăng ký liên kết SX tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, có 5 cơ sở được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản) cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đào Thọ Quí, có 70.000 m2 nuôi tôm tại phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, phấn khởi nói: “Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường 70 tấn tôm thương phẩm. Với quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm dễ dàng vào hệ thống siêu thị, các đơn vị thu mua chế biến cũng rất an tâm về chất lượng, ATTP”.
Bên cạnh con tôm nước lợ, TTKN Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân 2 huyện Châu Thành, Giồng Riềng nuôi cá chạch bùn thương phẩm trong ao dùng thức ăn công nghiệp theo VietGAP, đã được Cty CP Chứng nhận và Giám định VINACERT cấp chứng nhận. Nông dân tham gia được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 30% giá trị vật tư và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Ông Hà Văn Bòn Ba, nông dân ở xã Giục Tượng (Châu Thành), người tham gia mô hình nhận xét: “Cá chạch bùn là đối tượng dễ nuôi, thích nghi rộng với môi trường, quy trình nuôi đơn giản, cá ăn thức ăn công nghiệp nên chủ động và tiết kiệm thời gian chăm sóc, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trung bình lãi 18 triệu đồng/300 m2/vụ nuôi (khoảng 4 tháng)”.
Theo bà Đặng Khánh Hồng, nhiều nông dân đang thu tôm, cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để bán phục vụ tết. Tuy nhiên, cái khó là chưa có nơi tiêu thụ chuyên biệt, còn bán cho thương lái thì dễ lẫn lộn khi đi thu gom nhiều nơi. Do đó, giá cả đầu ra cũng chưa có sự khác biệt nhiều với sản phẩm nuôi thông thường, lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn. TTKN tỉnh đang tìm mặt bằng ở TP Rạch Giá làm nơi giao dịch, giúp nông dân tiêu thụ và người tiêu dùng mua được sản phẩm tin cậy.
|