Hiệu quả nuôi hàu, cá mú ven đầm Nại (05/12/2018)

Đầm Nại là một trong 12 đầm phá ven biển nước ta, điển hình cho kiểu nhiệt đới khô hạn ven biển, có nguồn lợi thủy sản phong phú, nằm trong khu vực dân cư tập trung của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.


Thu hoạch hàu

Những năm gần đây nghề nuôi tôm ở nơi đây gặp nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, giá thành sản xuất cao, sự suy thoái môi trường nước, dịch bệnh, rào cản kinh tế do nguyên liệu có dư lượng kháng sinh, hóa chất… Chính vì thế, ngành nông nghiệp đã đầu tư dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại”. Đầu năm 2017, Trung tâm Hải sản cấp 1 đã chủ trì dự án với mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và nuôi cá mú đen chấm đỏ.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, cho 40 hộ dân với diện tích 20ha. Kích cỡ thu hoạch trung bình 10 - 12 con/kg, năng suất 14 - 15 tấn/ha. Mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ, cho 10 hộ dân với diện tích 2,5ha. Kích cỡ thu hoạch trung bình >1,0 kg/con, năng suất 8 - 10 tấn/ha. Đào tạo được 11 kỹ thuật viên về kỹ thuật nuôi, tập huấn cho 150 lượt người dân.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao chi phí bỏ ra không lớn, chi phí nhân công lao động chiếm 40%, với giá bán 26.000 đồng/kg, cho lãi khoảng 57.000.000 đồng/0,5ha, mức lãi chưa cao nhưng có ý nghĩa lớn trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho những hộ có sẵn ao đìa nhưng thiếu vốn.

Mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ trong ao chi phí bỏ ra lớn, chiếm 54%, với giá bán 240.000 đồng/kg, cho lãi 207.000.000 đồng/0,25ha, mức lãi này đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi.

Hàu Thái Bình Dương là đối tượng ăn lọc, thức ăn chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Trong quá trình nuôi không bổ sung thức ăn, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên góp phần cải thiện môi trường. Nuôi cá mú đen chấm đỏ, trong suốt thời gian nuôi, chủ yếu cho ăn thức ăn công nghiệp, khẩu phần cho ăn được tính toán hợp lý theo thời gian nuôi và kích cỡ cá nuôi. Chính vì vậy thức ăn dư thừa trong ao không đáng kể. Hơn nữa môi trường ao luôn được kiểm soát hàng ngày, phù hợp cho cá nuôi phát triển. Việc thay nước được thực hiện khi cần thiết. Mô hình nuôi cá mú trong ao đất không gây ô nhiễm môi trường cho vùng nuôi và sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Dự án đã kết thúc nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục nuôi và nhân rộng. Đây thực sự đã trở thành một nghề nuôi mới, góp phần đa đa dạng, chuyển đổi đối tượng nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho cư dân ven đầm Nại.

Theo CƠ NGUYÊN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 186
Tổng truy cập: 39333740